Tiếng Việt English
Thứ bảy, 7 tháng 12 năm 2024

NIỀM HẠNH PHÚC CỦA MỘT NGƯỜI CHA

Tết vừa rồi, cháu được về gia đình ăn Tết. Tinh thần và thái độ của cháu cũng như mọi thứ đều khá hơn. Sức khỏe tốt hơn, chân tự đi lại được và khỏe hơn trước

 

“Tết vừa rồi, cháu được về gia đình ăn Tết. Tinh thần và thái độ của cháu cũng như mọi thứ đều khá hơn. Sức khỏe tốt hơn, chân tự đi lại được và khỏe hơn trước. Cháu đã nói được, giọng nói trong hơn và đặc biệt cháu đã biết kính trên nhường dưới. Thấy sự tiến bộ của cháu , cả họ tôi đều mừng...”. Đó là chia sẻ của CCB Nguyễn Viết Thuật khi đến thăm con trai Nguyễn Việt Nghĩa đang được chăm sóc, dạy dỗ tại Làng Hữu Nghị Việt Nam, thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Niềm vui và hi vọng ánh lên trong đôi mắt, nụ cười của người cựu binh già ấy khiến tôi háo hức tìm hiều cội nguồn niềm vui của ông trước sự thay đổi của con trai mình...

CCB Nguyễn Viết Thuật và con trai Nguyễn Việt Nghĩa

CCB Nguyễn Viết Thuật quê ở xã Thắng Thủy, Huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng. Năm 1967, chàng trai trẻ Nguyễn Viết Thuật xung phong lên đường nhập ngũ. Ông tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường và bị thương khi tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Bị thương nặng cả ở chân , tay và cột sống. Năm 1973 ông được ra quân về quê hương (Thương binh loại A1, thương tật hạng 1) và xây dựng gia đình. Năm 1985 ông sinh được con gái đầu lòng và năm 1991 sinh tiếp người con trai là Nguyễn Việt Nghĩa. Cuộc sống tưởng như đã trọn vẹn với gia đình khi ông bà đã “có nếp, có tẻ”. Nhưng nỗi đau chiến tranh đã đến tiếp với ông và gia đình, khủng khiếp hơn những viết thương ông đang mang trên người. Ông phải chịu đựng nỗi đau đó còn hơn nhiều lần sự chịu đựng của những năm tháng bom đạn khốc liệt ở chiến trường. Năm 2012, cô con gái đầu lòng của ông đã chết do ung thư, mãi sau này ông mới biết, các con mình đều bị di chứng chất độc da cam/dioxin từ mình.

Còn về người con thứ hai, ông Thuật kể: “Khi sinh ra cháu Nghĩa cũng lành lặn, bụ bẫm như bao đứa trẻ khác. Nhưng khi cháu lên 3 tuổi, chân cháu yếu và không nói được, giọng nói không rõ ràng, gia đình đã đưa cháu đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không đỡ. Khi lớn lên, cháu ngày càng hung tính; không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, suốt ngày ngôi trong phòng đóng kín cửa, đến bữa ăn cũng không xuống, mẹ cháu phải bưng cơm vào phòng cho cháu ăn, hiếm khi thấy cháu cười nói, có nói cũng không tròn vành rõ tiếng....gian khổ, hi sinh tôi từng chịu đựng và trải qua hết thảy nhưng thấy con bị tật, vợ chồng tôi thật xót xa và đau lòng lắm”.

Và rồi, niềm hi vọng chữa bệnh cho con chợt lóe lên khi ông biết đến Làng Hữu Nghị Việt Nam. Ông kể tiếp: “Thật may mắn là năm 2020, trong một lần tình cờ xem tivi, tôi được biết đến Làng Hữu Nghị Việt Nam là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề và phục hồi chức năng cho con em của Cựu chiến binh, Cựu thanh niên xung phong bị di chứng chất độc da cam/dioxin. Tôi đã đưa Nghĩa lên Làng, nộp hồ sơ để xin cho cháu vào điều trị. Tôi đã được Ban Giám đốc tiếp đón nhiệt tình, quan tâm hỏi han về bện tình của cháu, sau đó con tôi được y bác sĩ thăm khám rồi cháu được chuyển về nhà T3 và được mẹ Toàn chăm sóc, được xếp vào học lớp Giáo dục đặc biệt 2 do cô Hà chủ nhiệm. Sau nửa năm được nuôi dạy, chăm sóc ở đây, cháu đã tiến bộ được như thế này. Đến thăm cháu được tận mắt thấy sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Làng, sự tận tụy, nhẫn nại của các mẹ, các cô giáo và đội ngũ phục vụ cả ngày lẫn đêm thì tôi càng hiểu, sự tiến bộ của con mình là nhờ cái tâm, cái đức và công sức của bao người. Những con người tuyệt vời ở một môi trường tuyệt vời. Tôi khâm phục và biết ơn họ lắm, gia đình tôi rất yên tâm khi con mình được ở trong một môi trường có những con người tuyệt vời như cô Toàn, cô Hà, Cô Liên, cô Tho...Tôi mong có được nhiều người biết đến công việc nhân văn của Làng Hữu Nghị Việt Nam để cho các đồng đội có hoàn cảnh như tôi có thể yên tâm gửi những đứa con bị  nhiễm chất độc da cam/dioxin đến nhờ Làng giúp đỡ, để có thể chia sẻ với các Cán bộ, nhân viên của Làng trong nhiệm vụ chăm sóc người có công mà Trung ương Hội Cựu chiên binh giao cho”.

Mẹ Toàn và em Nguyễn Việt Nghĩa

Nghe trải lòng của CCB Nguyễn Viết Thuật về sự tiến bộ của con Nguyễn Việt Nghĩa làm tôi và các đồng nghiệp nơi đây hiểu hơn về hoàn cảnh khó khăn, về nỗi đau của các bác CCB có con cháu bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Chúng tôi thấy rõ hơn ý nghĩa của công việc mình đang làm, sự tiến bộ của các con là động lực để chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình hơn nữa./.

Bài và ảnh: Đặng Thị Toàn