Tiếng Việt English
Thứ bảy, 7 tháng 12 năm 2024

Làng Hữu nghị Việt Nam trong những ngày giãn cách phòng chống dịch bệnh Covid - 19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19 lần thứ tư tại Việt Nam với biến thể Delta lây lan nhanh và trên diện rộng, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và nhiều tỉnh, thành trong cả nước trong đó có Thành phố Hà Nội

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19 lần thứ tư tại Việt Nam với biến thể Delta lây lan nhanh và trên diện rộng, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và nhiều tỉnh, thành trong cả nước trong đó có Thành phố Hà Nội. Các địa bàn xung quanh Làng Hữu nghị Việt Nam thuộc Hội Cựu chiến  binh Việt Nam, nơi chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật – nạn nhân chất độc da cam / dioxin đã xuất hiện các ca F1, F2 và một số gia đình cán bộ, nhân viên phải nằm trong khu vực bị phong tỏa.

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT- UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Hướng dẫn  của Thường trực Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 cùng với sự thăm hỏi thường xuyên của Ủy ban Quốc tế, cán bộ, nhân viên Làng Hữu nghị đoàn kết đồng lòng với tinh thần trách nhiệm cao nhất cùng chung tay phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh để bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế và quyết tâm không để dịch bệnh lây lan đến các em khuyết tật đang sinh sống ở Làng Hữu nghị. Theo tinh thần trên, Ban Giám đốc đã bố trí 1/3 số cán bộ, nhân viên thay phiên thực hiện nhiệm vụ trực, chốt, làm việc và ăn ở tại cơ quan trong thời gian giãn cách xã hội “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Chuẩn bị đầy đủ thuốc men, phương tiện y tế; lương thực, thực phẩm, bảo đảm an toàn hệ thống điện nước, phòng cháy, chữa cháy. Số cán bộ, nhân viên còn lại nghỉ giãn cách, làm việc tại nhà theo quy định và phối hợp tốt với Trung tâm Y tế, lãnh đạo, nhân dân địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong những ngày giãn cách xã hội, thay vào những buổi chiều náo nhiệt sau giờ tan học với nhiều hoạt động thể chất của các em học sinh cùng với các sinh viên, tình nguyện viên quốc tế và các cựu chiến binh như bóng đá, bóng bàn, bóng truyền, bơi lội, làm vườn... Thì giờ đây, vào những ngày tháng Tám với cái nắng vàng bớt phần gay gắt, ngôi Làng Hữu nghị trở nên yên tĩnh hơn, ấm áp hơn, nhịp sống dường như cũng chậm lại, vắng bóng các anh chị sinh viên, các đoàn khách trong, ngoài nước đến thăm và tìm hiểu về hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Hàng ngày, là những hình ảnh rất đỗi thân quen của các mẹ bảo mẫu, y bác sĩ, cô giáo, quân nhu, bảo vệ với những công việc ca cả không biết mệt mỏi vì sự an toàn cho các em trước mùa dịch Covid - 19. Họ tạm gác lại công việc gia đình, ăn, ở tại cơ quan và bắt đầu công việc, ai cũng như ai đều vui vẻ, không than phiền, không nề hà với một ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc, dạy dỗ các em trong mùa dịch. Các em được tuyên truyền và hướng dẫn về quy định phòng, chống dịch bệnh, được đo thân nhiệt, kiểm tra y tế, được phục vụ các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, duy trì các lớp học, các hoạt động thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tham gia công việc vệ sinh môi trường.

Các em trong giờ học

Vẽ các bức tranh yêu thích

Tối mùa thu với những chiếc lá rơi xào xạc, cũng là lúc đèn điện phủ sáng khắp khuôn viên Làng Hữu nghị, 5 ngôi nhà ở của các em  như 5 gia đình nhỏ ấm áp, tràn đầy năng lượng và tình yêu thương. Một số em nô đùa bên nhau, các em khác thì làm các sản phẩm tiểu thủ công, xem ti vi, học bài; vài em câm điếc nhà bên cạch say sưa vẽ tranh với các chủ đề khác nhau như gia đình hạnh phúc, buổi chiều thả diều, biển cảng quê hương với những nét vẽ độc đáo và yên bình, đặc biệt là bức tranh vẽ các y, bác sỹ, các chú bộ đội, công an như một lời tri ân của các em khuyết tật tới công việc thầm lặng của họ trong cuộc chiến chống dịch.

Sự quan tâm, yêu thương của cán bộ, nhân viên đã tạo động lực và niềm vui cho các em. Nhiều em khuyết tật nhỏ chưa hiểu hết khái niệm của dịch bệnh Covid - 19, nhưng đều cảm nhận được sức lây lan và sự nguy hiểm của nó tới sức khỏe con người và cộng động như thế nào. Các em luôn có ý thức cao trong phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, giữ gìn vệ sinh chung và mong muốn dịch bệnh sớm qua đi, nhịp sống trở lại bình thường để được tiếp tục những ước mơ giản dị hàng ngày của mình.

Bài: Ngọc Hà       

Ảnh: Đặng Toàn – Nguyễn Hiền (T2)