Tiếng Việt English
Thứ sáu, 19 tháng 4 năm 2024

LÀNG HỮU NGHỊ VIỆT NAM - 25 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Làng Hữu Nghị Việt Nam trực thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, được thành lập xuất phát từ ý tưởng của một cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam tên là George Mizo với mục đích xây dựng một tổ chức hợp tác quốc tế hoạt động nhân đạo.

Làng Hữu Nghị Việt Nam trực thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, được thành lập xuất phát từ ý tưởng của một cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam tên là George Mizo với mục đích xây dựng một tổ chức hợp tác quốc tế hoạt động nhân đạo, từ thiện  nhằm hoà giải, xoa dịu và hàn gắn vết thương chiến tranh. Làng Hữu Nghị bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 1993; được Thủ tướng chính phủ ký quyết định thành lập ngày 18/3/1998 và bắt đầu đi vào hoạt động từ  đó cho đến nay.

Cổng Làng Hữu Nghị Việt Nam

Với bộ máy hoạt động gồm Ban Giám đốc và 5 Phòng, Trung tâm chức năng (Trung tâm Y tế, Trung tâm Giáo dục – dạy nghề, Phòng Hành chính, Phòng Tài chính và Phòng Hậu cần); Làng Hữu Nghị có nhiệm vụ chăm sóc, điều dưỡng các đối tượng là cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề cho các đối tượng trẻ em là con, cháu của cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong bị phơi nhiễm chất độc da cam/ Dioxin được đón từ 34 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra các tỉnh phía bắc. Số lượng đối tượng được chăm sóc thường xuyên ở Làng xấp xỉ 200 người, gồm từ 60 đến 80 CCB và 120 trẻ. Từ khi thành lập đến nay, Làng Hữu Nghị đã đón về điều dưỡng hàng chục ngàn lượt CCB, cựu TNXP và chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngàn em nhỏ. Để thực hiện được những nhiệm vụ đó, cán bộ, nhân viên Làng Hữu Nghị đã phải nỗ lực hết sức, coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình; nhiều khi phải hy sinh bản thân và gia đình để chăm lo cho các cựu chiến binh, đặc biệt là các em nhỏ, những con người có số phận thiệt thòi, đang ngày đêm chịu nỗi đau bởi những vết thương do hậu quả của chiến tranh.


Bảo mẫu Đặng Thị Toàn Nhà T3 đang bón cơm cho con

Khuôn viên Làng Hữu Nghị Việt Nam

Hàng năm, các y, bác sỹ của Trung tâm Y tế Làng Hữu Nghị phải tới địa bàn từng tỉnh, phối hợp với Hội cựu chiến binh các tỉnh để khám, tuyển cựu chiến binh và trẻ em đưa về Làng chăm sóc. Trung bình mỗi tháng đón ở ba tỉnh, mỗi tỉnh từ 18 đến 20 CCB và cựu TNXP; thời gian chăm sóc, điều dưỡng trong vòng 20 ngày. Riêng đối với các cháu, thời gian kéo dài từ 3 đến 5 năm hoặc hơn nữa, cho đến khi các cháu đủ điều kiện hoà nhập cộng đồng. Trong quãng thời gian ở Làng, các CCB, cựu TNXP và các em được chăm sóc toàn diện từ bữa ăn, giấc ngủ, chăm sóc về sức khoẻ thể chất và tinh thần; được Trung tâm Y tế khám, kiểm tra sức khoẻ và lên kế hoạch chăm sóc, điều trị bằng cách phối hợp các phương pháp khác nhau như kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền, song song với liệu pháp phục hồi chức năng – vật lý trị liệu để nâng cao hiệu quả điều trị. Với đội ngũ y, bác sỹ luôn tận tâm, tận lực, hết lòng vì người bệnh, luôn coi người bệnh như người thân; phục vụ chu đáo, tận tình đã để lại ấn tượng sâu đậm và tốt đẹp trong lòng người bệnh. Hầu hết các CCB và cựu TNXP khi về Làng, sức khoẻ đều được cải thiện, tinh thần thoải mái, ai cũng có chung ước muốn được quay trở lại Làng. Hiện tại tiêu chuẩn tiền ăn hàng ngày của CCB, cựu TNXP là 70.000đ/ ngày và trẻ em là 60.000đ/ ngày. Tuy chế độ tiền ăn của CCB và các cháu vẫn còn ở mức hạn chế, song nhờ có sự linh hoạt, chịu thương, chịu khó cải thiện các bữa ăn của những cô cấp dưỡng mà CCB và các cháu ăn ngon miệng, chế độ dinh dưỡng được đảm bảo. Bên cạnh đó, Trung tâm Giáo dục – dạy nghề đã thực hiện tốt các chức năng như dạy chữ, dạy kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp và dạy một số nghề cho các cháu như dạy vi tính, may mặc, làm hoa, thêu và dệt Saori.

Kỹ thuật viên Vũ Thị Mỹ Tho đang trị liệu phục hồi chức năng cho các cháu

Y sĩ Nguyễn Thị Kim Đao đang khám cho bệnh nhân

Cô Nguyễn Thị Hồng Hải đang dạy cắt may

Cô Nguyễn Thị Thu Hương chăm lo bữa ăn cho các cháu

Những năm gần đây, với sự giúp đỡ của Uỷ ban quốc gia Mỹ, Làng Hữu Nghị đã từng bước triển khai và thực tốt “Dự án hỗ trợ trẻ em hoà nhập cộng đồng”. Trung bình mỗi năm giúp đỡ, hỗ trợ từ 5 đến 6 em có hoàn cảnh khó khăn thực hiện ước mơ tự lập, nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Để thực hiện việc này, Làng đã thành lập Đoàn công tác, về tận địa phương tổ chức Lễ trao vốn dưới sự chứng kiến của các cấp Hội CCB và cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi cư trú của các cháu; việc làm này đã được các cấp Hội CCB và cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi cư trú của các cháu được trao vốn đánh giá rất cao. Đây là việc làm có ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm chăm lo chu đáo đến đời sống an sinh của hội viên của Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Kể  từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, Làng Hữu Nghị Việt Nam không ngừng phát triển, thay đổi và hoàn thiện từng ngày, xứng đáng là  biểu tượng cao đẹp của Hoà bình và Hữu nghị; đây chính là thành quả của sự hợp tác quốc tế giữa Hội Cựu chiến binh Việt Nam với Cựu chiến binh và những người yêu hoà bình ở các quốc gia: Đức, Pháp, Mỹ, Nhật, Anh, Canada; và cũng là thành quả công sức của các lớp thế hệ cán bộ, nhân viên Làng Hữu Nghị.

Làng Hữu Nghị Việt Nam

Trong 25 năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của TW Hội CCB Việt Nam; sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Quốc phòng và các ban, ngành, đoàn thể; sự phối hợp giúp đỡ của các các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, nhân viên qua các thời kỳ, năm 2008 Làng Hữu Nghị Việt Nam đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì theo Quyết định số 247/ QĐ-CTN ngày 05 tháng 03 năm 2008. Năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về công tác đền ơn đáp nghĩa theo Quyết định số 1452 ngày 03 tháng 10 năm 2012 và được Ban Tuyên giáo TW tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển- đảo và phân giới cắm mốc theo Quyết định số 819/ QĐ/BTGTW ngày 28 tháng 03 năm 2012. Năm 2013 được trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất theo Quyết định số 476/QĐ-CTN ngày 04 tháng 03 năm 2013. Năm 2018 Làng lại vinh dự được  Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất theo Quyết định số 272/QĐ-CTN ngày 01 tháng 03 năm 2018. Năm lần vinh dự được TW Hội CCB Việt Nam tặng cờ thi đua vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua (các năm 2009, 2010, 2012, 2016, 2022) và nhiều lần được TW Hội tặng Bằng khen. Năm 2023 đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì và tặng thưởng Huân chương hữu nghị cho các thành viên của Uỷ ban Quốc tế về Làng Hữu Nghị.

Bài: Phạm Thị Tuyết Thanh

Ảnh: Mai Liên