Làng Hữu Nghị Việt Nam, cái nôi của tình thương và lòng nhân ái
Làng Hữu Nghị Việt Nam nằm ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội ; ai đã từng đặt chân đến chắc hẳn đều cảm nhận được hơi ấm của tình thương bởi từ nhiều năm nay, nơi đây vẫn ngày đêm chăm sóc những con người có số phận thiệt thòi. Họ là những CCB, cựu TNXP và các con, cháu của CCB, cựu TNXP bị nhiễm chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh khó khăn đến từ mọi miền của 34 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc Việt Nam.
Với đội ngũ 54 cán bộ nhân viên, các bác, các cô, các anh, chị đã và đang ngày đêm thực hiện sứ mệnh cao cả, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chăm lo cho những đối tượng chính sách, những gia đình có công với cách mạng và dân tộc Việt Nam. Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nhưng khi về công tác ở Làng Hữu Nghị, 54 trái tim đều có chung nhịp đập. Mỗi người, mỗi bộ phận là một mắt xích gắn kết chặt với nhau tạo thành tập thể đoàn kết, thống nhất; tất cả vì một mục đích chung là thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Hội CCB Việt Nam giao phó: chăm sóc, điều dưỡng, nâng đỡ sức khoẻ cho CCB, cựu TNXP và chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề cho những trẻ em là con, cháu của CCB, cựu TNXP bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Cô giáo Phạm Thị Phương Thảo có thâm niên 17 năm công tác tại Làng tâm sự “ Làm việc ở đây, với tôi không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự đam mê. Trong sự nghiệp trồng người, dạy dỗ một học sinh bình thường nên người đã khó, dìu dắt các em ở các lớp giáo dục đặc biệt khó bội lần. Nếu ai không đủ nghị lực, tính kiên trì và tình yêu thương thì chắc chắn không trụ nổi nơi này”. Quả đúng như vậy, vào thăm các lớp Giáo dục đặc biệt 1, 2 và 3 mới thấy các cô giáo ở đây rất vất vả. Mỗi lớp có khoảng chục em nhưng các cô luôn chân, luôn tay và thậm chí nói luôn mồm, hướng dẫn chỉ bảo em này chưa xong lại phải xử lý học sinh khác “ gây sự” trong lớp. Có những đứa thân hình cao lớn nhưng trí tuệ như trẻ lên 3; có những em mặt mũi có vẻ “ngoan, hiền” nhưng các em chỉ thực sự ngoan khi cô giáo ngồi bên, còn ra khỏi lớp là thể hiện rõ tính hung hăng của trẻ tăng động.
Ảnh: Cô Phạm Thị Phương Thảo đang dạy học sinh tại lớp học
Ảnh: Cô Phạm Thị Phương Thảo đang hướng dẫn học sinh làm các sản phẩm thủ công
Với hơn 24 năm công tác trong lĩnh vực Hậu cần đời sống tại Làng, chị Nguyễn Thị Ninh chia sẻ “Làm nghề gì cũng cần phải có cái tâm. Khi phục vụ, tôi luôn coi cựu chiến binh và các cháu như người thân trong gia đình, chăm sóc bữa ăn không chỉ đủ no mà còn phải đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Mỗi bữa ăn thấy CCB và các cháu cảm thấy ngon miệng và ăn hết khẩu phần thức ăn, tôi cảm thấy phấn khởi vô cùng”.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Ninh đang sơ chế thức ăn tại bếp
Y sỹ Y học cổ truyền, Cử nhân cao đẳng Điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Đao, người có thâm niên 16 năm làm việc tại Trung tâm Y tế Làng Hữu Nghị cho biết từ ngày được nhận vào làm việc tại Làng Hữu Nghị tới nay, chị đã cùng đồng nghiệp phục vụ chăm sóc sức khoẻ, khám bệnh và chữa bệnh cho hàng chục ngàn lượt CCB, cựu TNXP. Chị kể: Rất nhiều bác trước khi chia tay đã nói những lời khiến chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh “Bác đi khám, chữa bệnh ở rất nhiều viện mà chưa nơi nào được như nơi đây. Các cán bộ y, bác sỹ ở đây ai cũng tận tình, chu đáo; thái độ vui vẻ, hoà nhã; ăn nói nhẹ nhàng, khiêm tốn, dễ nghe. Các bác về điều dưỡng ở Làng Hữu Nghị, ai cũng thấy khoẻ ra”. Khi được hỏi “ trong công việc, điều gì khiến chị cảm thấy hạnh phúc nhất?” chị cười rất tươi và nói “ điều khiến chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào nhất là hàng ngày được làm những công việc góp phần xoa dịu nỗi đau da cam cho các CCB và các cháu ở đây”. Chợt nghĩ, chỉ còn ít ngày nữa thôi là đến ngày 10/8 – ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam. Riêng đối với CBNV Làng Hữu Nghị Việt Nam, ngày nào cũng là ngày các bác, các cô, các anh, chị hành động vì nạn nhân chất độc màu da cam.
Ảnh: Y sỹ Nguyễn Thị Kim Đao đang khám cho các bác Cựu chiến binh
Ảnh: Y sỹ Nguyễn Thị Kim Đao đang điều trị cho các bác Cựu chiến binh
Tôi dám tin chắc rằng, cho dù bạn là ai, một khi đặt chân đến thăm Làng Hữu Nghị, bạn sẽ cảm thấy như mình đang về nhà. Nếu bạn bắt gặp bất kể ai trong số 54 CBNV, bạn sẽ cảm thấy họ như người thân trong gia đình mình, bởi nơi đây chính là cái nôi của tình thương và lòng nhân ái.
Bài: Phạm Thị Tuyết Thanh
Ảnh: Trung tâm Y tế