Tiếng Việt English
Thứ bảy, 7 tháng 12 năm 2024

HỌC TRÒ CỦA TÔI

Ai trong chúng ta đều sẽ có những kỷ niệm, những khoảnh khắc khó quên trong cuộc đời. Đó là những việc hay hình ảnh, con người để lại ấn tượng khó phai trong lòng

Ai trong chúng ta đều sẽ có những kỷ niệm, những khoảnh khắc khó quên trong cuộc đời. Đó là những việc hay hình ảnh, con người để lại ấn tượng khó phai trong lòng. Khi đến với Làng Hữu nghị Việt Nam bạn sẽ có cơ hội cảm nhận sâu sắc những điều này.

Khi bạn đến với nơi đây, bạn sẽ gặp những bạn trẻ kém may mắn – là nạn nhân chất độc da cam được nuôi dưỡng, chăm sóc, học tập tại đây. Bạn sẽ cảm thấy rất xúc động khi nhìn hình ảnh các em nhỏ với đôi mắt hồn nhiên và nụ cười rạng rỡ chào đón nhiệt tình. Có những em không nói được nhưng các em dùng cử chỉ điệu bộ thể hiện sự vui mừng chào đón bạn.

Các em ngây thơ quấn quýt mỗi khi có khách đến thăm. Sự hồn nhiên ấy tôi đã thấy trong những đôi mắt trong veo khi nhìn tôi.

Và tôi đã chọn ở lại đây, đồng hành cùng các em để đem hết những kiến thức của mình học được truyền đạt lại cho những số phận kém may mắn đó. Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đó mà tôi đã gắn bó với nơi đây 6 năm rồi. Tôi đã phụ trách lớp Thêu trực thuộc Trung tâm giáo dục – nghề nghiệp, nằm tại phòng thứ 2 trong dãy nhà mái tôn của khu vực các lớp kỹ năng nghề nghiệp.

Lớp Thêu của tôi là một trong số 5 lớp kỹ năng nghề nghiệp. Lớp tôi có tổng số 12 em học sinh và đa dạng khuyết tật như: khiếm thính, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, khó khăn vận động….Mỗi em học sinh một mảnh đời khác nhau, những số phận éo le, mang trong mình nỗi đau Dioxin, do chiến tranh để lại, thương lắm……

Ảnh: Lớp học Thêu ren

Em Chung quê ở Nghệ An, bố là CCB bị nhiễm chất độc da cam, mẹ mất sớm, em bị chậm phát triển trí tuệ. Linh là nạn nhân Dioxin thế hệ thứ ba bị khiếm thính. Hay như Kiên em bị khó khăn vận động. Hà bị động kinh, mỗi khi thời tiết hoặc tâm trạng không tốt, em lại lên cơn co giật, ngã ra lớp. Những lúc như thế, tôi cảm thấy rất xót xa, thương em quá nước mắt cứ lăn dài…

Nhớ những ngày đầu các em đến lớp, các kỹ năng giao tiếp, kỷ luật, kỹ năng nghề nghiệp còn chưa có. Các em không có khái niệm ngồi yên một chỗ, tập trung. Thời gian đầu để hạn chế hành vi và rèn luyện sự tập trung cho các em rất khó khăn. Tôi đã phải suy nghĩ, tìm hiểu rất lâu về tính cách, dạng tật, sở thích của các em, để từ đó điều chỉnh phương pháp truyền đạt sao cho các em có thể tiếp thu được những kiến thức về nghề Thêu. Từ không có khả năng ngồi yên, tập trung đến nay các em đã có thể thực hiện được một số phương pháp kỹ thuật thêu cơ bản, đã hoàn thiện được những sản phẩm   Đó là những tiến bộ rất nhỏ bé, nhưng với tôi lại là nguồn động viên to lớn – là động lực để tôi cố gắng từng ngày.

Các em có thể không đầy đủ về vật chất, khiếm khuyết về hình thể, thiệt thòi khi không được hoàn thiện như bao người. Nhưng các em luôn có rất nhiều sự quan tâm, tình yêu thương của các ông, các bác, cô chú, các mẹ, các cô giáo. Họ là những đồng đội đồng hành trong học tập, người thân trong cuộc sống của các em tại nơi đây – Làng Hữu Nghị Việt Nam – Ngôi nhà thứ hai của các em.

Bài và ảnh: Hoàng Thơm Thảo