Tiếng Việt English
Thứ bảy, 7 tháng 12 năm 2024

Những đóa hoa lửa rực rỡ của Thành cổ Quảng Trị

Ngày 9/10/2024, Làng Hữu Nghị Việt Nam tiếp tục đón tiếp đoàn Cựu chiến binh đến từ tỉnh Quảng Trị đến chăm sóc và điều dưỡng. Tôi may mắn được trò chuyện với những nữ Chiến sĩ trong chiến trận mùa hè đỏ lửa năm 1972

Ngày 9/10/2024, Làng Hữu Nghị Việt Nam tiếp tục đón tiếp đoàn Cựu chiến binh đến từ tỉnh Quảng Trị đến chăm sóc và điều dưỡng. Tôi may mắn được trò chuyện với những nữ Chiến sĩ trong chiến trận mùa hè đỏ lửa năm 1972. Qua mỗi lời kể, mỗi câu chuyện, mỗi kỷ niệm của họ, tôi như được hòa mình vào dòng chảy lịch sử, càng biết ơn sự hy sinh cao cả của thế hệ đi trước.

Cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972), Thành cổ Quảng Trị được ví như “cối xay thịt người”, hứng chịu những cơn mưa bom bão đạn kinh hoàng, 328.000 tấn bom đạn (trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo), một con số khổng lồ, đã biến mảnh đất quê hương thành biển lửa. Mỗi tấc đất như nhuộm đỏ màu máu của những người con ưu tú của dân tộc. Không chỉ những chàng trai tráng, mà cả những cô gái Quảng Trị có tuổi đời còn rất trẻ với đôi mắt sáng ngời và trái tim dũng cảm. Họ như những đóa hoa lửa tỏa sáng rực rỡ cùng nhau viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Ảnh: Ba nữ Chiến sĩ tỉnh Quảng Trị tại khu nhà các Cựu chiến binh điều dưỡng

Khi đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, với trái tim nhiệt huyết mong muốn được góp một phần sức lực của mình để bảo vệ đất nước. Bà Trương Thị Nga lúc đó mới tròn tuổi 13, đã dũng cảm xung phong làm nhiệm vụ liên lạc. Mỗi ngày, cô bé ấy len lỏi vào hang ổ của kẻ thù. Đôi mắt tròn xoe, trong veo luôn quan sát mọi thứ một cách tỉ mỉ. Nhiều lần, đứng trước mũi súng của kẻ thù nhưng Nga vẫn giữ được bình tĩnh và thu thập được nhiều thông tin quan trọng phục vụ cho kháng chiến. Bà chia sẻ: “Hồi ấy làm nhiệm vụ, mình phải nắm tin tức đầy đủ về nơi ở, hành động của địch và vũ khí mà địch sử dụng. Súng này là súng gì? Quả lựu đạn này là quả lựu đạn gì? Khi hỏi như vậy địch nghi ngờ và hỏi: “Mi nhỏ nhỏ mà hỏi súng đạn để làm gì?”, để đánh lạc hướng kẻ thù, tôi nhanh trí đáp “Tại vì em thấy đẹp””. Trong một lần làm nhiệm vụ, bà bị địch bắt giữ, nhưng với tài trí thông minh và nhanh nhạy, bà đã được thả về. Sau đó, để đảm bảo an toàn, bà được mẹ đưa đi vào rừng sống cùng bộ đội.

Năm 18 tuổi, bà chính thức gia nhập đội du kích và luôn sẵn sàng xung phong chiến đấu: “Chiến trường nào ở thành phố Quảng Trị tôi đi hết, theo anh em cứ đi, chỗ nào cần các đồng chí thì có tôi”. Năm 1972, bà được điều về bảo vệ thành phố, cuộc chiến 81 ngày đêm, từng giây từng phút đều rất căng thẳng, bà nhớ lại: “Một cái hào hắn thấy là hắn bắn, mình phải làm như thế nào để diệt được hắn, quân của hắn lúc nào cũng đi bằng xe, bằng máy bay, quân của mình toàn đi bộ, mình cứ thọc sâu vào đánh mạch chính chỉ huy của hắn để buộc hắn phải dừng lại”. Cái đói cồn cào như muốn xé nát ruột gan, lương thực không thể tiếp tế được, đồng chí ở xã, bộ đội địa phương hy sinh rất nhiều, nỗi đau mất mát ấy lại càng thắp lên trong mỗi người chiến sĩ ngọn lửa căm thù:“Mỗi một giọt máu đồng đội đổ xuống là một lời thề chiến đấu đến cùng. Đối với tôi hay các chị em đồng chí, đồng đội cảm thấy lúc đó đuối sức,chúng tôi càng quyết tâm làm tốt hơn nữa, vì chúng tôi luôn tin rằng mình sẽ chiến thắng”, bà nghẹn ngào chia sẻ.

Chiến tranh đã qua, nhưng những vết thương lòng thì vẫn còn đó. “Sau chiến tranh, tôi cũng mang thai nhưng 3 đứa con đầu lòng đều bị sảy ngay từ những tháng đầu của thai kỳ. Bản thân tôi sau đó cũng được phát hiện nhiễm chất độc hóa học giám định 41%. Cả hai vợ chồng tôi đều là những người lính trở về từ chiến trường và đều bị nhiễm chất độc hoá học. Cuối cùng cũng sinh được một người con trai nhưng trí nhớ không ổn định và 2 đứa cháu sinh ra cũng bị nhiễm chất độc hoá học”, giọng bà nghẹn lại. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng bà luôn lạc quan và động viên bản thân phải vượt qua: “Tôi vẫn còn may mắn hơn những người đồng đội đã hy sinh vẫn còn nằm lại trên chiến trường, nhiều người vẫn chưa tìm được hài cốt”. Hòa bình hôm nay là do biết bao thế hệ đã hy sinh xương máu để đổi lấy, “Tôi luôn nhắc nhở các cháu phải cố gắng học hành thật giỏi để đem khả năng, sức lực, trí tuệ của mình, noi theo các thế hệ cha ông đi trước để xây dựng và bảo vệ đất nước mình càng vững mạnh hơn”.

Bà Ngô Thị Thị, một nữ chiến sĩ dũng cảm, chứng kiến biết bao cảnh tượng đau lòng của chiến tranh. Cô gái tuổi 19 đầy nhiệt huyết tham gia cách mạng. Trong lòng bà luôn nung nấu một ngọn lửa căm thù giặc Mỹ và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Bà đã trải qua những trận đánh ác liệt đến những ngày tháng hành quân gian nan và làm đủ mọi công việc, từ liên lạc, vận tải, tiếp tế lương thực, đạn dược và chăm sóc thương binh đến trực tiếp cầm súng chiến đấu. Dù ở bất cứ cương vị nào, bà cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 1972, “Hồi đó người ta gọi thành cổ Quảng Trị là “cái máy xay thịt”, các đồng chí, thậm chí là cả một tiểu đoàn đều hy sinh hết. Người bị thương nhiều, liệt sĩ vô danh cũng nhiều, bị bom đạn lấp hết. Lương thực lúc đó thiếu thốn, thuốc men khan hiếm. Chiến sĩ phải ăn rau rừng, nấu cháo để cầm cự, sống tự cung tự cấp”. Mặc dù hoàn cảnh khắc nghiệt bà và đồng đội vẫn luôn động viên nhau “Lúc chứng kiến đồng đội hy sinh nhiều lòng căm thù của chúng tôi càng cao độ hơn, dù chết cũng không bỏ chiến trận, không để một tấc đất nào để cho nó chiếm, hết lớp này đến lớp khác xông lên, hai mùi thuốc súng càng đánh càng hăng. Phụ nữ cũng như nam giới đều một lòng một dạ hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho non sông, đất nước”. Sau chiến tranh, bà mang trong mình những vết thương cả về thể xác lẫn tinh thần.Bà bị thương ở mặt (giám định 21%), bị ảnh hưởng chất độc màu da cam (41%) và con gái của bà cũng bị ảnh hưởng. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà luôn lạc quan và động viên bản thân, “Khó khăn thì ai cũng có nhưng người khác còn nặng nề hơn mình nên mình cố gắng khắc phục”.

Bà Nguyễn Thị Huế, năm nay đã 70 tuổi, đôi mắt vẫn ánh lên niềm tự hào khi nhắc về những năm tháng hào hùng. Từ khi mới 10 tuổi, một cô bé gầy gò, nhỏ nhán đã dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dù còn rất nhỏ nhưng bà đã nhận thức rõ về sự tàn ác của chiến tranh và nỗi đau của đất nước. Mối căm thù giặc Mỹ, căm thù kẻ xâm lược đất nước đã thôi thúc bà cùng anh em chiến đấu. “Lúc đó, Cách mạng của mình lấy số nhỏ để làm liên lạc, để địch không phát hiện và chúng không để ý đến trẻ con, tôi cùng rất nhiều người trẻ xung phong làm nhiệm vụ liên lạc ở quê hương”, bà Huế kể lại. “Lúc đó, tôi đi ra ngoài cách 5 cây số mà thấy giặc là phải nắm bắt từng thông tin của địch giặc ở đâu? Lên đến quê hương mình là mấy giờ? Mấy sư đoàn, mấy tiểu đoàn, đông hay ít? Và gửi thư báo chứa mật mã cho cách mạng biết và phải liên tục di chuyển, ẩn náu, để tránh sự phát hiện của địch”.

Sau đó, bà tham gia thanh niên xung phong trên chiến trường Quảng Trị. “Để đưa thức ăn đến cho đồng đội, khi nấu cơm, luộc rau, thịt cá xong xuôi. Chúng tôi phải gói thức ăn vào lá chuối, bọc kín bằng bao ni lông, rồi giấu chúng trong những chiếc rổ đựng phân. Bỏ cơm ở dưới, bỏ phân trồng cây lên trên, khiêng trên vai đi qua hắn hỏi khiêng cái gì thì bảo khiêng phân đi trồng cây để nguỵ trang nếu không, họ biết là họ bắt mình, họ giết luôn. Đồng đội lúc đó ở chỗ bí mật, thẳng chỗ bờ sông, đào hầm bí mật sâu xuống dưới đất, mình làm liên lạc, mình biết chỗ đó là chỗ nào mình đến đó, đọc mật khẩu là đồng đội nghe là biết họ đọc lại cho mình”.

Việc đào hầm cũng vô cùng vất vả, “Anh em đào hầm vất vả khó khăn lắm. Hồi đó, không có xẻng mà dùng, thìa ở bát mình đưa cơm cho họ, họ lấy thìa đào từng thìa một thành một cái hầm để ở, đào hết mấy tháng. Mà một cái hầm chỉ có một đồng chí thôi, bờ sông có mười đồng chí, đào hầm mà chui xuống dưới. Ban ngày nằm im trong hầm, ban đêm mới ra trinh sát địa hình”, bà Huế kể lại.

Cuộc chiến 81 ngày đêm vô cùng khốc liệt, bà cũng tham gia trực tiếp chiến đấu. Bầu trời Quảng Trị nhuộm đỏ bởi những quả bom rực lửa. Những quả bom rít lên, xé toạc bầu trời, rồi phát nổ ngay trên đầu. Mảnh bom văng tứ tung, đất đá bay mù mịt bao phủ khắp thành phố, che khuất ánh mặt trời. Những ngôi nhà giờ đây chỉ còn là những đống gạch vụn: “Hắn mà thấy mình, hắn báo cho máy bay chiến đấu, mấy bay mấy chục chiếc, mà mình ở dưới chỉ có súng đạn của mình thôi. Lúc bắn mình nằm dưới hầm đánh hắn khó khăn. Tiếng bom nổ đùng đùng bên tai, mắt cay xè vì khói bom, tai ù đi vì tiếng nổ phải lấy khăn ướt, vải cột mắt lại không có hư mắt, miệng cay chịu không nổi”. Sau khi kết thúc chiến tranh, bà Huế bị bom đạn phản kích lại bị thương ở tay, lưng ở cột sống không đi được, giám định thương tật là 31%. 3 người con bà cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam, “con gái đầu của tôi lấy chồng có bầu mấy tháng đầu bị rớt, đẻ con ra không nuôi được, sau đó điều trị mới nuôi được nhưng các cháu học hành không được minh mẫn lắm”.

“Khi đến thăm Làng Hữu Nghị Việt Nam, chúng tôi đã vô cùng xúc động. Từ Ban giám đốc, đến đội ngũ cán bộ, nhân viên đều đón tiếp nồng hậu, chu đáo và chăm sóc đoàn tận tình. Chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp và tình yêu thương mà các anh chị dành cho chúng tôi và cảm thấy quá hạnh phúc. Đặc biệt, khi chứng kiến thấy các cháu bị nhiễm chất độc màu da cam được Làng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, chúng tôi vô cùng vui mừng. Bởi chính bản thân chúng tôi cũng có con cháu bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam nên chúng tôi hiểu rõ những khó khăn mà các cháu phải đối mặt. Chúng tôi thấy ở Làng có một cái tâm tốt để lo cho các cháu các đội ngũ đều quá tích cực và dành tình thương bao la trong việc chăm sóc và dạy dỗ các cháu bởi các cháu là người khó bảo, khó nghe, tinh thần không được bình thường và đã dành rất nhiều tâm huyết để giúp các cháu hòa nhập với cộng đồng và phát triển toàn diện. Chúng tôi cảm ơn lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên tại Làng Hữu Nghị Việt Nam đã dành cho đoàn sự quan tâm chu đáo và quãng thời gian điều dưỡng ý nghĩa”, các thành viên đoàn Quảng Trị bày tỏ.

Qua những câu chuyện kể nhắc nhở mỗi người chúng ta về những bài học lịch sử quý giá. Trong những ngày tháng khói lửa, những người chiến sĩ xông pha mặt trận, đã không quản ngại khó khăn, gian khổ. Với hy sinh, gan dạ và trí thông minh của mình, họ đã vượt qua mọi thử thách giành lại sự yên bình, độc lập cho Tổ quốc. Hình ảnh những nữ chiến sĩ kiên cường đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước bất khuất của dân tộc ta. Những đoá hoa lửa Quảng trị đã chứng minh rằng, phụ nữ Việt Nam không chỉ là những người mẹ, người vợ dịu dàng mà còn là những chiến sĩ dũng cảm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Bài và ảnh: Đặng Thị Toàn