Tiếng Việt English
Thứ năm, 28 tháng 3 năm 2024

Vệt nắng cuối chiều

Ngồi đối diện tôi là một phụ nữ đang ở độ tuổi 70, cái tuổi mà các cụ ta vẫn thường gọi “tóc bạc, da mồi”.

Ngồi đối diện tôi là một phụ nữ đang ở độ tuổi 70, cái tuổi mà các cụ ta vẫn thường gọi “tóc bạc, da mồi”. Tên cô là Đinh Thị Duân, một cựu TNXP thời kháng chiến chống Mỹ. Cô lên chào tạm biệt tôi trước khi trở về quê sau khi kết thúc đợt điều dưỡng tại Làng Hữu Nghị Việt Nam.

Ngồi tiếp chuyện cô, ngắm nhìn khuôn mặt hao gầy với đôi mắt đượm buồn và nước da sạm màu vì nắng gió. Sau một hồi nói chuyện hỏi thăm, cô bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời của mình. Sinh ra và lớn lên tại xóm 5 xã An Lễ - Huyện Quỳnh Phụ - Tỉnh Thái Bình, cô thanh niên với chiều cao 1m65, nặng 66kg, năng nổ, hoạt bát, tích cực tham gia các hoạt động đoàn đã tham gia làm công tác văn phòng Đảng ủy xã và được kết nạp Đảng ngày 06/4/1965 khi tuổi đời chưa tròn 18. Thời ấy toàn Đảng toàn dân đang dồn sức cho cuộc kháng chiến trường kỳ, trên mặt trận phía Nam đang sôi sục lửa bỏng, cô gái trong độ tuổi bẻ gãy sừng trâu nung nấu quyết tâm xin nhập ngũ. Vì thời đó thanh niên trong Làng cô đi đầu quân hết, còn cô lại đang là Đảng viên dự bị và được đào tạo làm cán bộ nguồn nên các đồng chí lãnh đạo ở xã và trên Huyện đều không đồng ý để cô đi. Tháng 8 năm 1968 đúng kỳ xét tuyển TNXP nhiệm kỳ 2, với một ý chí quyết tâm không gì ngăn nổi, cô đã dùng dao tự cứa tay mình lấy máu thấm vào tờ đơn cùng với lời khẩn cầu tha thiết xin đi bằng được. Lúc này các đồng chí cán bộ lãnh đạo xã và trên Huyện đành chấp thuận nguyện vọng của cô. Cô được phân công làm đai đội trưởng đơn vị 444 – Đội 44 Ban xây dựng 67. Cùng đồng đội ăn rừng ở rú, phá núi mờ đường cho bộ đội ta. Hồi đó toàn quân ta gặp muôn vàn khó khăn, vừa phải đối mặt với khói bom lửa đạn của quân thù, vừa phải chống chọi với dịch sốt rét hoành hành với biết bao thiếu thốn, hiểm nguy, gian khổ, nhiều chiến sỹ tưởng chừng chết đi sống lại. Tháng 8 năm 1972, dịch sốt rét ập đến, nhiều đồng đội của bị bệnh sốt rét hành hạ, vừa chăm bạn vừa phải gánh vác nhiệm vụ giúp bạn mình, cứ tưởng là mình khỏe nào ngờ chính cô cũng không thoát khỏi căn bệnh quái ác đó. Người bị sau cùng thường là người nặng nhất, những cơn sốt triền miên khiến cô mê man không thể ngóc đầu lên được. Thấy diễn biến bệnh tật của cô lúc này khá nguy hiểm, Ban TNXP buộc phải chuyển cô ra Bắc điều trị và cho cô chuyển ngành về Tỉnh Đoàn Thái Bình công tác. Trở về với thân hình gầy rộc, nước da thì đen sạm, mắt trắng, môi thâm, đầu thì trơ trụi vì bị rụng sạch tóc.... Đến năm 1975 và 1976  xuất hiện bệnh đau dây thần kinh ngoại biên, thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau thần kinh khắp toàn thân tưởng chừng không sống nổi. Sau giải phóng bạn bè đứa còn, đứa mất, những đứa trở về quê hương rồi cũng lần lượt xây dựng gia đình. Chứng kiến cảnh đứa bạn thân cùng đơn vị mình lấy chồng sinh bốn đứa con thì cả bốn đứa tật nguyền, cô chạnh nghĩ “nó khỏe hơn mình còn thế, mình ốm đau thế này liệu có thể nào khá hơn được không ?”. Nhiều đêm thao thức suy nghĩ mất ăn, mất ngủ, bao nhiêu người hỏi mà đắn đo suy tính mãi không biết nên làm thế nào, chả phải cô không có tình cảm vấn vương thương nhớ đến một ai, mà bởi vì cô sợ nếu sau này cô sinh ra những đứa con không bình thường nư bạn mình thì làm sao cô chịu nổi. Nghĩ vậy, làm vậy, thế rồi cô nuốt nước mắt vào trong, đành chịu mang tiếng là kẻ kiêu sa, lặng lẽ khước từ lời cầu hôn của bao người để rồi kể từ đó cô chuyên tâm vùi đầu vào công việc. Cuối năm 1978 cô được cử về Hà Nội học ở trường tổ chức kiểm tra TW đến tháng 02 năm 1980 về Ban tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình công tác. Tháng 3 năm 1987  làm cán bộ tổ chức Đảng ủy khối và công tác ở đó cho đến hết năm 1993. Đầu năm 1994  cô về nghỉ hưu, và từ đó đến nay vẫn ở nhờ gian nhà tập thể của Khu tập thể tỉnh ủy Thái Bình. Đến cuối năm 2005 cô tiếp tục tham gia làm công tác tổ chức văn phòng Tỉnh hội TNXP  tỉnh Thái Bình, mãi cho đến hết năm 2016. Cô bảo: “Cũng may được các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy quan tâm giúp đỡ còn có nhà tập thể mà ở nhờ, trong khu tập thể nơi cô ở còn có hai chị nữa lớn hơn cô vài tuổi cũng sống đơn thân như cô, mấy chị em chăm sóc lẫn nhau, sống qua ngày. Bây giờ thì có thể nương tựa vào nhau, sau này chả biết sẽ như thế nào?”

Nghe cô kể mà khóe mắt tôi cảm thấy cay cay, vừa lúc ấy văng vẳng từ đâu mấy câu cuối bài hát “Chị tôi” của nhạc sỹ Trần Tiến mà từ rất lâu rồi tôi chưa nghe “mộ người chưa có chồng”....chị tôi chưa lấy chồng,...”. Bất chợt tôi cảm thấy lòng mình như nghẹn lại, chợt liên tưởng đến tương lai không còn bao xa  của người phụ nữ trước mặt mình, không biết những lúc trái nắng trở trời, không biết những lúc ốm đau hoạn nạn, không biết những ngày cuối cùng của cuộc đời này, ai là người lo cho cô???

“Mai cô về rồi, cô lên chào tạm biệt cháu nhé, chúc cháu luôn mạnh khỏe, công tác tốt. Ngày kia cô đi chùa lễ Vu lan rằm tháng 7, cô sẽ cầu xin Phật gia hộ độ trì cho cháu và gia đình....Cô cháu mình có cái duyên nên mới gặp nhau, đến đây điều dưỡng sắp đến ngày về thì gặp nạn, xểnh chân một cái ngã gãy tay, may nhờ có lãnh đạo Làng quan tâm cho ở lại thêm để điều trị, các bác sỹ ở đây thì ân cần, tận tình chu đáo, thật cô chả biết nói gì hơm, cảm ơn tập thể CBNV Làng, cảm ơn cháu nhiều, Thanh nhé!” Giọng nói của cô kéo tôi về với thực tại, tôi cố gượng cười “Dạ, có gì đâu cô, cầu chúc cô trở về may mắn, bình an và luôn giữ được sức khỏe thật tốt, cô nhé !”

Chia tay cô mà lòng tôi ngổn ngang bao suy nghĩ, mỗi con người một số phận, chẳng ai giống ai, nhưng sao khi nghe cô kể về cuộc đời mình, tôi thấy cổ họng mình cứ cảm thấy có gì đăng đắng. Nhìn bóng dáng cô liêu xiêu khuất dần trong vệt nắng cuối chiều mà lòng tôi héo hắt, mai bắt đầu kỳ nghỉ lễ 2 – 9, đúng vào tiết tháng 7 âm lịch, cái tháng là người ta vẫn gọi là tháng cô hồn./.

Bài: Phạm Thị Tuyết Thanh