“Điểm Lặng” đem sự kết nối, tình yêu thương và sẻ chia
Phim tài liệu “Điểm Lặng” do Giáo sư Matthias Leupold, người Đức thực hiện năm 2012 tại Làng Hữu nghị Việt Nam và quay một số cảnh các gia đình Cựu chiến binh ở tỉnh Quảng Bình, Nghệ An và Phú Thọ. Bộ phim kể về một ngôi Làng Hữu nghị thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam nằm ở phía Tây Hà Nội, kể về cuộc sống đời thường, nhưng cũng đầy khó khăn, nhọc nhằn của các cựu chiến binh trở về sau chiến tranh và những ảnh hưởng của cuộc chiến tranh hóa học tới môi trường sinh thái và con người Việt Nam. Làng Hữu nghị không chỉ là nơi nuôi dưỡng, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho các cựu chiến binh và trẻ em khuyết tật bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin, mà còn kêu gọi các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ quỹ khởi nghiệp tạo điều kiện cho các cháu có việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ các gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng hàng ngày các cựu chiến binh vẫn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, dai dẳng của chất độc hóa học được sử dụng trong chiến tranh như ốm đau, bệnh tật, sinh con sảy thai, dị tật bẩm sinh về cả thể chất và trí tuệ.
Ông Tùng và bà Margit Phạm
“Điểm Lặng” đã được công chiếu tại nhiều quốc gia, nâng cao sự nhận thức của nhân dân thế giới về hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Sau khi xem bộ phim trên, nhiều người đã biết về Làng Hữu nghị Việt Nam, đặc biệt gia đình ông Tùng và Margit Phạm (Phạm Thanh Tùng) sống ở Brunnweiher 471116 Gartingen, Cộng Hòa liên Bang Đức rất cảm động với công việc ý nghĩa, nhân văn, cao cả của Làng đối với các nạn nhân da cam ở Việt Nam và quyết định trích một khoản tiền của gia đình hỗ trợ cho công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng cựu chiến binh, các cháu, và hỗ trợ khó khăn cho 10 gia đình Cựu chiến binh có các con khuyết tật do di chứng chất độc da cam/dioxin.
Ông Phạm Thanh Tùng viết thư và cho biết Ông sinh ra ở Hà Nội, sau đó gia đình chuyển vào Sài Gòn. Năm 1970, ông du học ở Đức với chuyên ngành kỹ sư máy tại trường đại học Công nghệ Stuttgart, rồi lập gia đình định cư tại Đức. Tình cờ xem bộ phim “Điểm Lặng” và biết về Làng Hữu nghị. Ông hy vọng sự giúp đỡ của gia đình ông sẽ hỗ trợ phần nào cho hoạt động chăm sóc các nạn nhân da cam/dioxin ở Làng cũng như các gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Ông gửi lời cảm ơn Ban lãnh đạo cùng cán bộ, nhân viên Làng Hữu nghị về những công việc cao cả dành cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Các cựu chiến binh đều rất phấn khởi khi nhận được sự hỗ trợ thiết thực của gia đình Ông Phạm Thanh Tùng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid – 19 kéo dài.
Cựu chiến binh Đỗ Đức Địu cho biết: “Gia đình chúng tôi rất vui khi nhận được món quà ý nghĩa và thiết thực của gia đình Ông Tùng. Chúng tôi sẽ dùng số tiền này tu bổ 12 phần mộ các con tôi, còn lại sẽ dùng chữa bệnh cho các con còn lại. Mặc dù, tuổi cao, sức khỏe đã yếu, vợ chồng chúng tôi sẽ cố gắng lao động và chăm sóc các con được chu đáo”.
Cựu chiến binh Nguyễn Quang Tám bày tỏ: “Chúng tôi rất biết ơn, trân trọng tấm lòng của gia đình Ông Phạm Thanh Tùng về sự giúp đỡ này, đặc biệt trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh Covid – 19 kéo dài. Với khoản tiền trên gia đình dự kiến sẽ mua một con bê để nuôi và kết hợp với chăn nuôi gà vịt nhằm tăng thêm thu nhập, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hàng ngày”.
Phim “Điểm Lặng” không chỉ lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái, sự sẻ chia của cộng đồng trong nước và quốc tế tới nạn chân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam mà còn mang thông điệp ngăn chặn các cuộc chiến tranh hóa học khác, đem lại một thế giới hòa bình, không chiến tranh.
Bài: Nguyễn Ngọc Hà