Giải phóng miền Nam qua ký ức của người cựu chiến binh Nghệ An
Năm tháng trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng oanh liệt, gian khổ của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vẫn luôn sống mãi trong tâm trí mỗi người lính cụ Hồ. Bác Phan Thanh Tùng, sinh năm 1950, quê Yên Thành, Nghệ An là một trong những nhân chứng sống chứng kiến thời khắc lịch sử khi miền Nam được giải phóng. Đã 48 năm trôi qua, Bác vẫn luôn khắc ghi những ký ức về hành trình gian lao và giây phút vỡ òa hạnh phúc tại thời điểm đó.
Vốn là con nhà lính, gia đình có ba thế hệ đã đi làm bộ đội chiến đấu vì nước nhà từ kháng chiến chống Pháp. Bác đã được thừa hưởng và tiếp nối tinh thần yêu nước thương dân, quyết chống lại xâm phạm. Vậy nên khi tròn 19 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, bỏ lại biết bao ước mơ hoài bão tuổi trẻ, Bác Tùng đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại mặt trận miền Đông Nam Bộ vào năm 1969.
Ảnh: Bác cựu chiến binh Phan Thanh Tùng – Đoàn CCB tỉnh Nghệ An
Bác Tùng chia sẻ: “Suốt thời gian kháng chiến có rất nhiều kỉ niệm nhưng sâu sắc nhất là ngày 30/4/1975 được tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam. Tôi thuộc Trung đoàn 2, sư đoàn 9 đã vinh dự khi có mặt trong đoàn quân tiến vào Dinh Độc Lập, Sài Gòn. Chứng kiến giờ phút lịch sử thiêng liêng của dân tộc, niềm vui sướng vỡ òa trong tiếng reo hò, những giọt nước mắt hạnh phúc của người lính, của nhân dân sau bao nhiêu năm tháng gian khổ, hy sinh”.
Sự hạnh phúc nào cũng phải trả giá, đằng sau niềm vui chiến thắng ấy là những ký ức in hằn về sự khốc liệt của chiến tranh, biết bao thế hệ đã phải đánh đổi xương máu để giành lấy lại. Hồi tưởng lại Bác Tùng chia sẻ, những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ vô cùng gian khổ.
Với vị trí chiến lược, tiềm năng về tự nhiên và xã hội của miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ là những yếu tố quan trọng để biến nơi đây thành chiến trường tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, là địa điểm mở đầu và kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược 30 năm.
“Đối với địch, đây là trọng điểm tiến hành "bình định", vơ vét sức người, sức của, thực hiện chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt". Còn với ta, địa bàn này có tầm quan trọng đặc biệt là nơi ta tổ chức nhiều cuộc quyết chiến, chiến lược trong chiến tranh giải phóng. Địa bàn Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ trải rộng với ba vùng chiến lược hoàn chỉnh, đây là nơi ta có khả năng vận dụng đầy đủ đường lối quân sự, chính trị của Đảng về tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện.”
Suốt 19 năm 8 tháng trong quân ngũ, Bác Tùng cùng đồng đội đã “ngậm đắng nuốt cay” với tinh thần quyết liệt không từ bỏ giành lấy hoà bình. Có may mắn, có hy sinh nhưng tinh thần quả cảm và ý chí sắt đá của người lính Cụ Hồ chưa bao giờ nao núng, góp phần vào từng chiến thắng vẻ vang trên mặt trận.
Về bản thân, bác vẫn coi là mình còn may mắn để chứng kiến được thời bình như này hôm nay. Mặc dù, hiện Bác đã bị thương khắp cơ thể, nặng nhất là vết thương ở phần dưới hông và chân một lần bị thương do bị thương bởi quả bom từ máy bay B52 của địch. May mắn bước qua của ải tử thần, nhưng tỉ lệ thương tật lại chiếm 26%, sau khi nghỉ hưu hưởng chế độ mất sức 69% khiến sức khoẻ của Bác luôn phải được chú trọng, chăm sóc kỹ càng.
Bác Tùng chia sẻ:“Mặc dù bản thân đã phải trải qua nhiều hy sinh, mất mát, nhưng tôi luôn cảm thấy tự hào vì đã góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Bác được Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý như Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công do Campuchia tặng, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, 4 năm liền là chiến sĩ thi đua, 1 lần chiến sĩ quyết thắng.
Về quê hương sau chiến tranh, bác Tùng tiếp tục hoàn thành trách nhiệm của người công dân, người Đảng viên, tham gia nhiều hoạt động xã hội. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu, năm ngoái bác đã xin nghỉ hưu.
Nhìn lại chặng đường đã qua, bác Tùng không khỏi xúc động khi bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước đã có những chính sách đãi ngộ đối với những người có công với cách mạng. Bác cũng mong muốn thế hệ trẻ ngày nay sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng những hy sinh thầm lặng của thế hệ cha ông để tiếp tục xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bài và ảnh: Đặng Thị Toàn