Tiếng Việt English
Thứ năm, 25 tháng 4 năm 2024

Những người mẹ hiền ở Làng Hữu Nghị

Làng Hữu Nghị Việt Nam là đơn vị trực thuộc TW Hội Cựu chiến binh Việt Nam nằm trên địa bàn xã Vân Canh – huyện Hoài Đức – thành phố Hà Nội

Làng Hữu Nghị Việt Nam là đơn vị trực thuộc TW Hội Cựu chiến binh Việt Nam nằm trên địa bàn xã Vân Canh – huyện Hoài Đức – thành phố Hà Nội; có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, điều dưỡng cựu chiến binh, cựu TNXP và trẻ em là con hoặc cháu của CCB (thế hệ thứ 2, thứ 3) bị nhiễm chất độc da cam/ Dioxin do hậu quả của chiến tranh để lại.

Ai đã từng đặt chân đến đây đều có cảm giác nơi đây giống như một ngôi nhà, ở đó có bóng dáng những người mẹ hiền thân thương, những nàng dâu trăm họ dịu dàng, tần tảo, trong số 54 cán bộ nhân viên thì quá 2/3 là phụ nữ, đảm nhiệm những vai trò vị trí khác nhau nhưng ở họ tựu chung một tình thương bao la rộng lớn. Mỗi người trong số họ khi về làm việc tại Làng, trong môi trường hết sức đặc biệt, họ phải phải xác định ghánh thêm trách nhiệm mà không phải ai cũng có thể làm, đó là làm mẹ của những đứa trẻ tật nguyền, làm dâu của những cựu chiến binh mang trong mình biết bao bệnh tật. Những người mẹ, những nàng dâu thảo hiền ấy là những người thầy thuốc hết sức tận tâm “Lương y như từ mẫu”, là những cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết, những cô bảo mẫu dịu dàng, cần mẫn hay những cô cấp dưỡng chăm chỉ miệt mài; họ không quản ngày, đêm, vượt qua mọi gian nan, thử thách để chăm lo cho 120 trẻ và hàng ngàn cựu chiến binh được luân phiên đón từ 33 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra các tỉnh phía Bắc về điều dưỡng tại Làng.

Nuôi, dạy những đứa trẻ bình thường, không phải do mình sinh ra đã khó; làm mẹ chăm lo cho những đứa trẻ khuyết tật, sẵn mang trong mình dòng máu bởỉ di chứng chất độc hoá học khó hơn gấp bội lần; nhưng điều đó không khiến những phụ nữ ở Làng Hữu Nghị nản lòng. Xuất phát từ trái tim giàu lòng nhân ái, đức hy sinh cao cả, họ đã tạo dựng được hình ảnh, để lại dấu ấn vô cùng đẹp đẽ trong lòng những cựu chiến binh và những đứa trẻ đã và đang được điều dưỡng, nuôi dưỡng tại Làng.

Chị Vũ Thị Mỹ Tho, người có thâm niên làm việc ở Trung tâm Y tế Làng trên chục năm cho biết “các cựu chiến binh phần vì tuổi cao, sức yếu; phần vì bị di chứng chất độc lại mang trong mình nhiều bệnh nền như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đa khớp, có những bác còn bị viêm gan B, xơ gan thậm chí có bác bị viêm phổi tắc nghẽn,... tính tình lúc nắng lúc mưa; để phục vụ được các bác phải hết sức kiên trì, mềm mỏng”.

Chị Vũ Thị Mỹ Tho trong giờ làm việc

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hải, giáo viên lớp Dệt, May chia sẻ “ Những học trò của chúng tôi là nhóm đối tượng được gọi là “trẻ em” có mức độ chênh lệch về tuổi tác khá lớn, bên cạnh những đứa trẻ vài tuổi còn có những em ngoài 30 tuổi; những bạn thông minh thì đa phần bị dị tật vận động hoặc câm điếc bẩm sinh; nhiều bạn có vẻ ngoài lành lặn thì lại chậm phát triển tâm thần; bên cạnh đó lại có những bạn vừa bị chậm phát triển tâm thần, vừa bị khuyết tật, bởi vậy việc dạy dỗ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải căn cứ vào nhiều tiêu chí để đánh giá khả năng và mức độ nhận thức từng học sinh một để phân lớp cho phù hợp, bên cạnh dạy kỹ năng cơ bản, dạy chữ cho các con, còn phải định hướng dạy cho các con học một số nghề nằm trong phạm vi khả năng và điều kiện thực tế ở Làng, để sau này khi các con về hoà nhập cộng đồng, có thể tự làm để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình”. Chị còn cho biết thêm, trong vài năm trở lại đây, nhờ có nguồn vốn tài trợ của Uỷ ban Quốc gia Mỹ, một số em khi trở về hoà nhập cộng đồng đã có thể thực hiện những mô hình dự án nhỏ để phát triển kinh tế dưới sự hỗ trợ giúp đỡ của gia đình; chẳng hạn em Lê Đức Quang sinh năm 1983 ở thôn Bột Trung xã Hoằng Tân huyện Hoằng Hoá tỉnh Thanh Hoá đã rất thành công với mô hình chăn nuôi gà chọi hoặc em Vũ Thị Thuỳ Linh sinh năm 1986, dân tộc Tày ở thôn Đồng Bộn xã Vũ Linh huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái, Linh không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn có khả năng trợ giúp kinh tế cho bố mẹ nhờ kinh doanh tạp hoá,...

Cô Nguyễn Thị Hồng Hải hướng dẫn học sinh may

Cô Nguyễn Thị Hồng Hải hướng dẫn học sinh dệt Saori

Chia sẻ với chúng tôi, chị Đặng Thị Toàn là một trong số những Bảo mẫu trực tiếp chăm sóc cho trẻ em tâm sự với chúng tôi “các con không phải do mình đẻ ra, mỗi đứa mỗi tính, một nết, bệnh tật đầy mình; muốn chăm sóc, dạy bảo được chúng, mình phải xoá bỏ rào cản về khoảng cách, coi chúng như con đẻ của mình, bản thân phải gần gũi, quan tâm để nắm bắt tâm lý và hiểu được tính nết của từng đứa. Bên cạnh đó còn phải phối hợp chặt chẽ, trao đổi thường xuyên với các y, bác sỹ và cô giáo của các con để theo dõi, giám sát, nhắc nhở các con luyện tập ở nhà, từ đó mới có thể giúp chúng thành thạo các bài tập phục hồi chức năng hay phát huy những bài học kỹ năng trong sinh hoạt. Nhờ có sự động viên của các mẹ, các cô, nhiều em tiến bộ trông thấy; có những con còn tận dụng khoảng thời gian nghỉ ngơi để làm nên những sản phẩm thêu, may hoặc hoa nghệ thuật”

Chị Đặng Thị Toàn chăm lo cho các con

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, nhân viên cấp dưỡng nói với chúng tôi “Chị em chúng tôi thường động viên nhau, đã vào đây làm là phải xác định toàn tâm toàn ý, nói thì dễ chứ khi vào việc rồi mới thấy vất vả; mùa đông còn đỡ chứ những ngày hè thời tiết oi bức, để đảm bảo phục vụ mỗi bữa hàng trăm suất cơm, chúng tôi phải đổ biết bao mồ hôi; chưa kể bệnh đường hô hấp khi hít phải khói than; cực nhọc là thế xong đến khi nhìn thấy các cựu chiến binh và các con ăn ngon miệng, ai nấy đều phấn khởi, tự hào”.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương trong giờ làm việc

Đại tá Nguyễn Thăng Long, Giám đốc Làng Hữu Nghị Việt Nam đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực vượt khó của cán bộ nhân viên Làng Hữu Nghị, đặc biệt là chị em phụ nữ. Ông nói “Cựu chiến binh và trẻ em về điều dưỡng, nuôi dưỡng ở Làng thuộc đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương về sức khoẻ, tinh thần, bởi vậy tập thể cán bộ nhân viên càng phải nỗ lực nhiều hơn, sẻ chia nhiều hơn để phần nào bù đắp và xoa dịu nỗi đau da cam. Làng có được như ngày hôm nay là có sự đóng góp công sức rất lớn của chị em phụ nữ, họ đã thực sự coi những cựu chiến binh và trẻ em ở đây như ruột thịt và Làng Hữu Nghị là ngôi nhà thứ hai của mình”

Không thể kể hết những nỗi nhọc nhằn, khó khăn, vất vả của những người phụ nữ nơi đây nhưng sự hy sinh thầm lặng của họ rất đáng được trân trọng, tôn vinh. Họ là những người thắp sáng ngọn lửa niềm tin và hy vọng cho những cựu chiến binh và những trẻ em có số phận thiệt thòi của Làng Hữu Nghị.

Tin bài và ảnh: Phạm Thanh