Tiếng Việt English
Thứ sáu, 20 tháng 12 năm 2024

Trải lòng của người Cựu chiến binh nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7

Ngày Thương Binh Liệt Sĩ: ngày 27/7 hàng năm, là dịp cả nước tri ân, tưởng nhớ công lao to lơn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh

Ngày Thương Binh Liệt Sĩ: ngày 27/7 hàng nămlà dịp cả nước tri ân, tưởng nhớ công lao to lơn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh - những người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Tại Làng Hữu Nghị Việt Nam; việc tri ân và tỏ lòng biết ơn đối với các Cựu chiến binh được diễn ra thường xuyên, cứ mỗi tháng Làng đều tiếp đón 2-3 đoàn Cựu chiến binh các tỉnh, thành phố về chăm sóc điều dưỡng.

May mắn được trở về quê hương sau chiến tranh, những ký ức về thời chiến và những đồng đội đã hy sinh vẫn luôn ám ảnh bác Nguyễn Văn Thản, người Cựu chiến binh, thương binh tỉnh Yên Bái về điều dưỡng tại Làng Hữu Nghị Việt Nam tháng 7/2024: “Trên cơ thể tôi vẫn còn 2 mảnh đạn nằm sâu trong người và những cơn đau nhức hành hạ. Tuy vậy, tôi luôn tự hào vì được cống hiến cho Tổ quốc”, bác chia sẻ:

Tháng 12/1967, Bác Thản lên đường nhập ngũ và được bổ sung vào đơn vị 174-A của Sư đoàn 316 tham gia trận đánh ở vùng Đắk Tô, Tây Nguyên. Tháng 3/1968, đơn vị xuống vùng Tây Ninh, đánh vào đường 26 tiêu diệt 34 xe quân sự, thiết giáp của địch. Tháng 6/1968, đơn vị rút về củng cố để chuẩn bị chiến dịch lần 2, Mậu Thân 1968. Khi vào Biên Hoà quân ta bị lộ không đánh được vào sân bay, Bộ Tư lệnh củng cố tinh thần chỉ mang theo gạo rang, lương khô, súng đạn.

“Gian khổ nhất là năm 1969, sau khi rút khỏi Biên Hoà ra hoạt động ở vùng Phước Long, đói 2, 3 tháng không có gạo, muối, chỉ có lá, măng. May mắn có đỗ xanh được một ít ninh. Trong quá trình hoạt động, chất độc hoá học rải khắp chiến trường, khiến cả một dải đường hành quân Tây Nguyên không còn lá cây, chỉ còn sót lại vài chòm lá trắng. Lúc đó, không biết tác hại của chất động hoá học, vẫn lấy nước sông nấu cơm ăn, nhưng sau này mới thấy rất nguy hiểm”, bác Thản cho biết. Năm 1970, quân ta sang bên Campuchia giúp bạn. Năm 1972 bước vào chiến dịch Nguyễn Huệ, mở đầu chiến dịch, sư đoàn còn gặp nhiều khó khăn, đánh trận đầu tiên mở cửa bị lộ, địch dùng máy bay, pháo bắn, 4 giờ sáng quân đội ta cùng ba chiếc xe tăng, một chiếc vừa đi vào cửa mở bị địch bắn, đánh vào thị xã Lộc Ninh.Với sự chỉ huy tài tình của cấp trên và sự anh dũng của quân đội ta, thị xã Lộc Ninh đã được giải phóng, làm căn cứ trao trả quân chiến thắng. Tiếp tục đánh thị xã Bình Long, trận chiến gay go quyết liệt. khiến nhiều chiến sĩ hy sinh, đơn vị bác Thản mất đại đội phó, trung đội trưởng và các anh em khác. Khi quay về hoạt động ở vùng Tây Ninh, tại trận chiến này bác Thản bị thương ở đầu, tay, chân. Do vết thương quá nặng, Bác Thản được đưa ra Bắc điều trị và không được ở lại tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. “Sau khi bị thương anh em đồng đội đưa tôi đi giải phẫu, điều trị, vết thương sâu mổ phải 6 tiếng lấy các mảnh đạn ra nhưng không lấy hết được vẫn còn 2 mảnh đạn nằm trong người, ngoài ra còn chịu sức ép bom đạn. Anh em trong kháng chiến, lúc nào cũng yêu thương nhau, đánh Biên Hoà vừa ăn cơm với nhau đi tầm 40m, 50m đã hi sinh ra nhặt từng mảnh của đồng đội, biết là chiến trường sống chết là thường xuyên nhưng chứng kiến đồng đội ngã xuống, lòng không khỏi xót xa”, bác Thản ngậm ngùi.

Ảnh: Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thản tại nhà điều dưỡng của các Cựu chiến binh, Làng Hữu Nghị Việt Nam

Sau khi bình phục, bác Nguyễn Văn Thản tiếp tục tham gia công tác về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái, cấp bậc Thiếu tá, chức vụ phó chỉ huy trường Chính trị công trường 1083 Hoàng Liên Sơn. Năm 1990, bác Thản bắt đầu về nghỉ hưu. Năm 1991, bác được bầu làm chủ tịch của Hội Cựu chiến binh của huyện Văn Yên đến năm 2007, sau đó làm chức vụ bí thư chi bộ của tổ dân số. Sau khi thành lập thành lập Hội Chất độc màu da cam, bác làm chủ tịch Hội chất độc màu da cam của huyện từ 2016 đến bây giờ.

Đến nay, bác Thản đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng 1 huân chương khánh chiến hạng Ba, 2 huân chương chiến công, 2 huân chương chiến sĩ giải phóng, 3 huân chương chiến sĩ vẻ vang, 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 18 bằng khen của Trung ương hội, được tặng huy hiệu 55 tuổi Đảng và nhiều khen thưởng khác.

Đây là lần thứ hai bác Thản đến điều dưỡng tại Làng Hữu Nghị Việt Nam kể từ năm 2012, lúc đó làng Hữu Nghị vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, tuy nhiên ăn uống vẫn đảm bảo, chế độ được các đồng chí lãnh đạo quan tâm, nhân viên nhiệt tình, lúc đó đôi dép tự mua đi. Lần thứ hai là tháng 7/2024, bác Thản chia sẻ: “Lần này về Làng, cơ sở vật chất đầy đủ, phòng ở thoáng mát, tiện nghi 3 người một phòng có điều hoà, đầy đủ từ bàn chải đánh răng, chiếc tăm,…Được ban lãnh đạo làng quan tâm, thường xuyên hỏi han, nhân viên phục vụ nhiệt tình, chu đáo; từ thăm khám sức khoẻ, thuốc men, ăn uống đều rất an tâm, nhân viên nhã nhặn, ân cần, thật sự thấy tình thương yêu. Nhất là khi chứng kiến các cháu bị chất độc da cam được thầy cô giáo, anh chị chỉ bảo ân cần cho thấy trách nhiệm của cán bộ, nhân viên Làng Hữu Nghị là ngôi nhà tình thương đối với các cháu bị nhiễm chất độc hoá học da cam, rất quý”.

Bác Thản bày tỏ: Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, tôi xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Xin chúc cho các thương binh, bệnh binh có nhiều sức khỏe, an yên trong cuộc sống. Là một Cựu chiến binh, tôi mong muốn thế hệ trẻ hôm nay sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng những giá trị mà các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh giành được. Chiến tranh cũng đã cướp đi biết bao đồng đội thân yêu. Những người bạn, người anh em cùng chung chiến hào đã hy sinh vì bom đạn, vì những căn bệnh hiểm nghèo do chiến tranh để lại, nhiều người không biết phần mộ ở đâu. Bác Thản đã 2 lần đưa đồng đội ở chiến trường về, bác nói: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói “Chúng ta còn gặp nhau đây là quý lắm rồi”. “Đến làng Hữu Nghị, anh em từ nhiều nơi gặp nhau quấn quýt không phân biệt vùng miền, nhiều lúc nghĩ lại thấy bùi ngùi, mình được hưởng hạnh phúc, ngày hôm nay thì đồng đội mình cũng chịu nhiều thiệt thòi, nhiều đồng đội còn chưa được hưởng nén nhang”.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thản là một tấm gương sáng về lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu và ý chí kiên cường. Bác đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hiện nay vẫn đang tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần giúp đỡ mọi người. Câu chuyện về bác là một lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ hôm nay. Hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa để xứng đáng với những hy sinh cao cả của thế hệ cha anh. Hãy noi gương dũng cảm, kiên cường và tinh thần yêu nước của các Cựu chiến binh để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.

Bài và ảnh: Đặng Thị Toàn