Tiếng Việt English
Thứ bảy, 7 tháng 12 năm 2024

Cuộc đời cách mạng của một cựu chiến binh

Là một nhân viên hiện đang làm việc tại Làng Hữu Việt Nam (An Trai, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội)

 

Là một nhân viên hiện đang làm việc tại Làng Hữu Việt Nam (An Trai, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội), tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện liên quan đến cuộc đời cách mạng của những Cựu chiến binh trong suốt quá trình công tác tại đây. Những câu chuyện cũ mang đậm hơi thở chiến trường, lột tả sâu sắc tinh thần chiến đấu kiên cường của bộ đội ta, được tái hiện qua lời kể của những chứng nhân sống - những Cựu chiến binh, thực sự làm tôi xúc động và nhớ mãi.

Một cơ hội mới, một câu chuyện cũ lại được cất lên một cách chân thật và chi tiết qua lời kể của bác Lưu Xuân Thành - một cựu chiến binh, thuộc Đoàn cựu chiến binh Tuyên Quang đến với Làng chúng tôi điều dưỡng trong vòng gần một tháng (từ ngày 6/7/2022 đến ngày 26/6/2022). Bác sinh ngày 10/10/1944 tại Tiêu Sơn, Đoan Hùng, Phú Thọ nơi được coi là vùng Đất tổ cội nguồn của người cổ Việt Nam ta.

 

Bác Lưu Xuân Thành

Tôi đã đến thăm bác tại khu nhà phục vụ cho các cựu chiến binh nghỉ dưỡng vào một buổi chiều mưa khi đã hoàn thành xong công việc của mình. Khi tôi tìm đến bác, bác tiếp tôi rất niềm nở, thân thiện trong bộ áo xanh quần âu như mọi ngày tôi nhìn thấy bác, sau hỏi mới biết đó là thói quen bác đã giữ từ rất lâu rồi, vẫn lịch sự, nghiêm trang mang hơi thở, phong cách của một người lính Cụ Hồ.

Cho đến nay, chiến tranh đã qua đi 45 năm, tuy nhiên, bác vẫn nhớ như in quá trình mình bước chân vào đội ngũ làm một tân binh cho đến khi trở thành một cựu chiến binh như hiện giờ. Bác nhập ngũ cũng vào là tháng 7 mùa hạ năm 1966, đóng quân tại Đắk Lắk - Tây Nguyên. Sau khi hoạt động trong quân ngũ được hai năm,  khu vực đơn vị bác nằm trong vùng địch . Đến tháng 2/1968, bị địch đổ bộ bắn bác đã bị thương ở tay và bị bắt làm tù binh đưa vào Nhà tù Pleiku (thuộc địa phận phường hội thương Pleiku, tỉnh Gia Lai) được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1925 với mục đích bắt giữ thường phạm . Sau đến những năm 1966 nơi đây đã trở thành nhà lao giam giữ những chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước, là nơi để phân hóa tù binh, hoàn chỉnh hồ sơ trước khi đày ra trại giam tập trung lớn nhất ở đảo Phú Quốc do Bộ Quốc phòng Ngụy quản lý. Dựa vào lời kể, khoảng thời gian bị giam tại đây có thể gọi là “địa ngục trần gian” đối với các tù binh cộng sản như bác. Để khống chế và phân hóa tù binh, bọn địch lập ra “đội trật tự” làm tay sai cho bọn giám thị, tăng cường kìm kẹp, đánh đập, hạ nhục tù binh hoặc bắt ngồi ở chuồng cọp. Bản thân bác cũng đã bị mất một bên cánh tay phải trong thời gian chịu những trận tra tấn dã man tại nhà giam để lấy lời khai. Những cảm giác đau đớn ấy đến giờ bác vẫn còn nhớ rõ, dù vết thương đã lành nhưng vết sẹo, dấu tích vẫn sẽ còn nguyên. 

Giai đoạn từ tháng 4-1969 đến tháng 9-1969 trại giam lại gặp khó khăn mới do lực lượng nòng cốt liên tục bị đẩy ra khỏi trại, bác cũng đưa ra khỏi trại giam đảo Phú Quốc cũng trong thời gian này .Tuy phong trào lắng xuống sau ngày để tang Bác (Chủ tịch Hồ Chí Minh), nhưng bác và các đồng chí còn lại vẫn cố gắng bảo vệ được thành quả của bao đồng chí đi trước qua đấu tranh, đổ máu mang lại đó là: Không chào cờ địch, không chào “kính” bọn sĩ quan, không làm tạp dịch quân sự… Thế nhưng địch lại tiếp tục vơ vét tù binh đưa ra đảo Phú Quốc hết đợt này đến đợt khác. Tháng 5-1972, khi ở bên ngoài đang đánh vào Kon Tum, bọn địch sợ đánh vào Pleiku nên đã chuyển hết số tù binh ở hai phòng biệt giam ra đảo Phú Quốc. Đến cuối năm 1972, trại giam tù binh Pleiku hoàn toàn bỏ trống. Lúc này, tháng 10/1972 cũng là lúc bác Thành được ra khỏi trại giam Phú Quốc và đầu tiên được trao trả tù binh ở sông Thạch Hán- Quảng Trị.

Tháng 2/1973, bác được chuyển về Đoàn ăn Dưỡng 95 ở Tây Hồ, Thọ Sơn, Thanh Hóa. Sau đó, năm 1976 cuối cùng bác đã được trở về địa phương, quê nhà của mình tại Phú Thọ, bác cho biết tuy thời gian cống hiến của bác so với những thế hệ đi trước chỉ là một sự đóng góp nhỏ nhoi , nhưng bác vẫn luôn giữ trong mình tinh thần sẵn sàng vì Tổ quốc, để những thế hệ trước đó không hy sinh một cách vô ích.

Bác hiện đang nằm trong ban chấp hành hội tù chiến sĩ cách mạng tỉnh Tuyên Quang, là thương binh loại (2) - Mất từ 61% đến 80% sức lao động do thương tật; chất độc màu da cam và dioxin và đang được nhận sự quan tâm thông qua các chính sách của Đảng và nhà nước. Bác cũng chia sẻ rằng: “ Được chia sẻ những câu chuyện hồi đó, tôi cảm thấy nó giống như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Tôi đã được đi ăn dưỡng rất nhiều nơi và đây cũng là một trong những nơi tôi thấy khá thích vì ở đây tôi đã được nói lên câu chuyện của bản thân tôi”.

Bài và ảnh: Đặng Toàn