Làng Hữu Nghị Việt Nam 15 năm xây dựng và trưởng thành
Là một biểu tượng đoàn kết quốc tế vì hòa bình và hữu nghị, là hiệu quả của sự hợp tác giữa cựu chiến binh Việt Nam với cựu chiến binh và một số tổ chức vì hòa bình ở 6 nước: Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Canađa và Anh. Từ ý tưởng của Ông George Mizo - 1 cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến ở miền Nam Việt Nam, họ đã thành lập một ủy ban quốc tế về Làng Hữu Nghị và lập 1 dự án nhằm giúp đỡ trẻ em và cựu chiến binh Việt Nam lấy tên là “Làng Hữu Nghị Việt Nam”.
Làng Hữu Nghị Việt Nam thuộc Hội cựu chiến binh Việt Nam được thành lập ngày 18 tháng 3 năm 1998, là một biểu tượng đoàn kết quốc tế vì hòa bình và hữu nghị, là hiệu quả của sự hợp tác giữa cựu chiến binh Việt Nam với cựu chiến binh và một số tổ chức vì hòa bình ở 6 nước: Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Canađa và Anh. Từ ý tưởng của Ông George Mizo - 1 cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến ở miền Nam Việt Nam, họ đã thành lập một ủy ban quốc tế về Làng Hữu Nghị và lập 1 dự án nhằm giúp đỡ trẻ em và cựu chiến binh Việt Nam lấy tên là “Làng Hữu Nghị Việt Nam”.
Sự hợp tác của họ trong lĩnh vực nhân đạo là một đóng góp vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh và tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc. Trong đó, chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng và giáo dục là trọng tâm.
Được Chính phủ Việt nam đồng ý giao nhiệm vụ quản lý và triển khai dự án, từ năm 1993 Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã khởi công xây dựng. Với nguồn vốn đóng góp hơn 2 triệu đô la Mỹ của Ủy ban quốc tế Làng Hữu Nghị và Nhà nước Việt Nam, đề án xây dựng Làng Hữu Nghị đã hoàn thành.
Từ mảnh đất trũng của cánh đồng Lấm gần 3 ha thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội qua nhiều năm xây dựng và nâng cấp đã trở thành ngôi Làng có đầy đủ nhà ở, nhà làm việc, nhà ăn, thư viện, hội trường, trung tâm Giáo dục và Dạy nghề, trung tâm Y tế… cho hơn 250 người trong một quần thể xanh, sạch, đẹp, thoáng đãng tương đối đầy đủ tiện nghi trong việc chăm sóc các đối tượng chính sách. Từ lúc ban đầu mới đón được 6 cựu chiến binh và 9 trẻ em, đến nay (từ năm 1998 đến năm 2012) Làng đã đón nhận được hơn 3.500 lượt cựu chiến binh, thanh niên xung phong – nạn nhân chất độc da cam của các tỉnh từ Quảng Bình trở ra phía Bắc về chăm sóc nâng đỡ sức khỏe. Hàng tháng từ chỗ duy trì thường xuyên 40 cựu chiến binh đã đưa lên 60 đến 80 cựu chiến binh nhằm đưa được nhiều lượt cựu chiến binh về điều dưỡng, vì đa phần cựu chiến binh tuổi ngày càng cao, sức ngày một yếu. Sau 1 tháng điều trị bệnh tật dần được ổn định không phát triển thêm, trung bình mỗi người tăng từ 1 – 3 kg, cá biệt có người tăng 6 kg. Đời sống văn hóa tinh thần của cựu chiến binh cũng được cải thiện. Họ được tận mắt thấy cảnh đổi mới không ngừng của thủ đô, đất nước, được vào Lăng viếng Bác, tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng lịch sử quân đội, đi nghỉ mát tại Đồ Sơn và Hạ Long vào mùa hè…làm tăng niềm tin tưởng, kéo dài tuổi thọ…
Cũng trong 15 năm, số lượng các cháu được đón về Làng gần 600 cháu (thời gian mỗi cháu ở Làng từ 2 – 3 năm) của 34 tỉnh – thành phố từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở ra phía Bắc do ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin, các cháu bị nhiều loại bệnh tật khác nhau như dị tật vận động, teo cơ, mù, câm điếc… nhưng đa phần là thiểu năng trí tuệ. Các cháu được chăm sóc giáo dục, phục hồi chức năng và học nghề tùy theo khả năng từng cháu như: Tin học văn phòng, thêu tranh, học may công nghiệp, làm hoa lụa. Từ 1 lớp giáo dục đặc biệt, đến nay đã có 5 lớp và 1 lớp thực hành kỹ năng sống với đầy đủ trang bị cơ sở vật chất, đồ dùng học tập riêng phục vụ cho việc dạy và học cùng với đội ngũ giáo viên có trình độ cao đẳng và đại học – giúp các em phát triển dần về mặt trí tuệ, trước hết là tạo thói quen tự phục vụ được bản thân. Đối với một số cháu có khả năng học văn hóa, Làng đã tổ chức xin cho học ở các trường phổ thông ngoài Làng. Hiện tại có 10 cháu đang theo học từ lớp 1 đến lớp 8. Năm 2012 có 1 cháu thi đỗ vào ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, 1 cháu thi đỗ vào trường cao đẳng công nghiệp,1 cháu thi đỗ vào trường Trung cấp Y Nghệ An, 1cháu hoàn thành khóa học lập trình viên quốc tế ở Trung tâm Aptech - đại học bách khoa và đang làm trợ giảng ở lớp vi tính. Số cháu trở về đa phần tự phục vụ được bản thân giúp gia đình được các công việc lặt vặt trong nhà, nhiều cháu đã và đang làm việc ở một số cơ sở may, thêu, làm hoa lụa tự nuôi sống được bản thân. Điều quan trọng là các trẻ có khả năng hòa nhập với cộng đồng, xóa đi những mặc cảm làm dịu đi nỗi đau da cam. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc điều trị y tế ở Làng cũng được quan tâm đặc biệt, nhất là phục hồi chức năng. Từ 1 trạm xá nhỏ đến nay Làng đã có 1 Trung tâm y tế với đầy đủ thiết bị tương đối hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả của việc khám, điều trị bệnh tật cho cựu chiến binh và các cháu. Làng đã gửi đi bệnh viện tuyến trên phẫu thuật chỉnh hình chân, tay cho 50 cháu. Từ chỗ không vận động được hoặc vận động khó khăn, các cháu đã có thể tự mình vận động được. Cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia Đức, Làng đã mở văn phòng tư vấn miễn phí, chẩn đoán sớm, điều trị phục hồi chức năng cho trẻ sơ sinh, trẻ bị chậm phát triển cho hơn 100 cháu ở khu vực ngoài Làng.
Bằng những việc làm thực tế có hiệu quả trong việc chăm sóc cựu chiến binh và các cháu, Làng Hữu Nghị VN đã tạo được lòng tin cũng như sự tín nhiệm của Ủy ban quốc tế Làng Hữu Nghị. Hàng năm Ủy ban quốc tế vẫn quyên góp ủng hộ gần 50% kinh phí dành cho việc nuôi dưỡng các đối tượng đến Làng. Làng Hữu Nghị dần dần đã trở thành điểm hẹn đến thăm, giao lưu của bạn bè quốc tế trên thế giới đủ thành phần, lứa tuổi, học sinh, sinh viên, công chức, phóng viên, nhà khoa học, doanh nghiệp, cựu chiến binh… Từ năm 2007 trở lại đây hàng năm có khoảng 1000 khách nước ngoài từ 50 nước đến thăm. Làng đã đón ông Darrell Steiberg, chủ tịch thượng viện bang Califoocnia - Mỹ và Tiến sĩ Philips Rosler, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Cộng hòa Liên bang Đức đến thăm, các ông đều rất ấn tượng về những công việc của Làng đang làm trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh và cầu chúc cho hòa bình hạnh phúc. Ở trong nước, ngoài các cơ quan, đoàn thể tổ chức xã hội còn có hàng nghìn tình nguyện viên của các câu lạc bộ, đội tình nguyện, sinh viên, học sinh đến giao lưu tham gia các hoạt động của Làng. Đặc biệt Làng luôn được sự quan tâm trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 15 năm qua kể từ khi thành lập Làng đã được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởngBộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Chủ nhiệm tổng cục Chính trị Lê Văn Dũng,Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch tổng thư ký Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa… đến thăm, động viên cả về vật chất, tinh thần. Đặc biệt Làng đã được Bộ quốc phòng nhận đỡ đầu về mọi mặt giúp cho Làng ngày càng nâng cao hiệu quả trong công tác chăm sóc, phục vụ các đối tượng đến Làng.
Trong 15 năm hoạt động, Làng luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Thường trực Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam giao cho, tạo được niềm tin của Ủy ban quốc tế Làng Hữu Nghị. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Làng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Năm năm gần đây liên tục được Trung ương Hội cựu chiến binh tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc, bằng khen và cờ thi đua đơn vị xuất sắc”. Được bằng khen của chính phủ về “Công tác đền ơn đáp nghĩa”, được bằng khen của Ban tuyên giáo Trung ương về công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc qua 15 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, Làng vinh dự được Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý – Huân chương lao động hạng nhất. Đây là sự quan tâm, nguồn cổ vũ lớn lao của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp của Làng trong 15 năm qua.
Cán bộ, nhân viên, cựu chiến binh, các cháu Làng Hữu Nghị VN xin bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Chính phủ, Thường trực Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam, các bộ, ngành, tổ chức xã hội, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm giúp đỡ Làng về mọi mặt trong 15 năm qua.
Chân thành cảm ơn Ủy ban quốc tế Làng hữu nghị VN, Đại sứ quán Cộng hòa Áo, đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… đãgiúp đỡ tài trợ cho Làng xây dựng và phát triển.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong 15 năm qua, cán bộ nhân viên, cựu chiến binh và các cháu đang được nuôi dưỡng tại Làng đoàn kết quyết tâm xây dựng Làng thành một cơ sở kiểu mẫu trong hoạt động từ thiện nhân đạo, là điểm hẹn đến của bạn bè trong nước và quốc tế, là biểu tượng của tình đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và hòa giải.