Tiếng Việt English
Chủ nhật, 22 tháng 12 năm 2024

Chương trình “Tri ân người trở về từ chiến trường – xoa dịu nỗi đau Da Cam” tại Làng Hữu Nghị Việt Nam

“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vào ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7) hàng năm đã trở thành ngày tri ân của toàn Đảng, toàn Quân và toàn Dân ta đối với người có công với đất nước, là một sự kiện quan trọng có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc.

Tối ngày 27/7/2019, Làng Hữu Nghị Việt Nam phối hợp với Báo Người tiêu dùng tổ chức chương trình giao lưu: “Tri ân người trở về từ chiến trường – xoa dịu nỗi đau da cam” nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019). Chương trình nhằm tri ân đối với người có công với cách mạng và trao những phần quà ý nghĩa tới các bệnh binh, thương binh, cựu chiến binh và trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại Làng Hữu Nghị Việt Nam.

Tham dự chương trình có sự hiện diện của Ông Vương Quốc Trung – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, Ông Nguyễn Thế Linh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, Ông Nguyễn Thăng Long – Giám đốc Làng Hữu Nghị Việt Nam, Bà Đặng Thị Kim Hiên – Tổng Biên tập Báo Người tiêu dùng cùng lãnh đạo Báo Người tiêu dùng. Ngoài ra, còn có các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ, ca sĩ, phóng viên báo chí, truyền hình cùng toàn thể cán bộ, nhân viên, các cựu chiến binh và các cháu đang được điều dưỡng, nuôi dưỡng, giáo dục và dạy nghề tại Làng Hữu Nghị Việt Nam.

Phát biểu tại chương trình Ông Nguyễn Thăng Long – Giám đốc Làng Hữu Nghị tóm tắt lịch sử hình thành và phát triển Làng Hữu Nghị Việt Nam, những công việc cao cả, nhân ái, nhân văn mà ngày đêm cán bộ, nhân viên Làng Hữu Nghị đang làm để giúp đỡ các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và con, cháu của họ bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Giao lưu tại chương trình, các cựu chiến binh người trở về từ chiến trường năm xưa đã chia sẻ những ký ức về một thời chiến, những khó khăn cùng với những căn bệnh da cam đang đeo đẳng trong cuộc sống đời thường của mình. Các cựu chiến binh bày tỏ: “Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam, Ủy ban Quốc tế Làng Hữu Nghị Việt Nam và Làng Hữu Nghị Việt Nam, chúng tôi được về Làng Hữu Nghị an điều dưỡng, được giao lưu gặp gỡ các đồng chí đồng đội, được chứng kiến nhiều đổi thay của đất nước điều mà tưởng chừng không bao giờ có được. Chúng tôi mong muốn thế hệ trẻ đang sống trong thời bình luôn ghi nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã chiến đấu giành độc lập tự do cho đất nước, mong muốn thế hệ trẻ không ngừng học tập, làm việc để xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Tại đây, Ông Nguyễn Thăng Long, Giám đốc Làng Hữu Nghị thay mặt cho các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và các cháu ở Làng Hữu Nghị nhận những phần quà thiết thực, ý nghĩa và bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Ban Tổ chức chương trình, Báo Người tiêu dùng, các nhà tài trợ Quỹ tầm vóc Việt – Ngân hàng Bắc Á, công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Tiền, công ty Cổ phần Tập đoàn Him Lam, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng và Tư vấn Clover và các nhà tài trợ khác. Ông Nguyễn Thăng Long mong muốn chương trình giao lưu này sẽ truyền tải được nhiều tình cảm hơn nữa và kết nối được nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân cùng chung tay giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam đang sinh sống và học tập tại Làng Hữu Nghị Việt Nam.

Khán giả có mặt tại chương trình được thưởng thức các ca khúc về một thời chiến do các ca sĩ, các cựu chiến binh và các cháu khuyết tật Làng Hữu Nghị thể hiện. Chương trình khép lại với bài hát: “Gia đình nhỏ hạnh phúc to” – một mái ấm chung cho các cựu chiến binh và các cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin.

                                                                    Bài: Hà Nguyễn - Ảnh: ML