“Dệt Saori” đem lại sự sáng tạo và niềm đam mê cho trẻ em khuyết tật Làng Hữu nghị Việt Nam
Sau khi thăm các lớp dạy nghề và hướng nghiệp tại Làng Hữu nghị, Bà Nguyễn Thị Liên, đại diện của Hiệp hội rửa tay Nhật Bản tại Việt Nam nhận thấy việc mở thêm một lớp dệt Saori ở Làng sẽ rất ý nghĩa, tạo cho các em có thêm một nghề mới, đặc biệt nâng cao khả năng sáng tạo và phục hồi chức năng cho các em khuyết tật. Bà Liên đã xin ý kiến và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Ban Giám đốc, các cô giáo Làng Hữu nghị Việt Nam về mở lớp học Saori.
Vào cuối năm 2018, Bà Noriko Furuya, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến rửa tay Nhật bản đến thăm Làng và tài trợ cho lớp học một số máy dệt, nguyên vật liệu để dệt sản phẩm và gửi giáo viên cùng học sinh tham gia khóa học dệt Saori tại Làng Hòa bình Thanh Xuân, Hà Nội. Sau đó các em tiếp tục được học nâng cao kỹ năng dệt do Ủy ban Quốc gia Mỹvề Làng Hữu nghị tài trợ kinh phí giảng dạy. Với kiến thứccơ bản được trang bị, các em đã làm quen với máy dệt, các thao tác phối kết hợp giữa tay và chân, kết hợp các sợi dọc, sợi ngang để dệt ra những phẩm mà các em mong muốn. Kết quả các em cũng đã dệt hoàn chỉnh các sản phẩm như quần áo, khăn quàng cổ, mũ, túi sách, ví đựng tiền ….. Trong mỗi sản phẩm đều chứa đựng sự sáng tạo và độc đáo riêng.Cuối năm 2019, Làng Hữu nghị tham gia trưng bày triển lãm các sản phẩm của các em tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, trong đó có sản phẩm dệt Saori. Nhiều khách thăm quan qua gian hàng của Làng rất thích mua các sản phẩm để dùng, làm quà tặng và đánh giá cao.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hải, giáo viên lớp cắt may quần áo và lớp dệt Saoricho biết "Dệt Saori là phương pháp dệt thủ công, không khó, không theo một khuôn mẫu hay một kỹ thuật nhất định như dệt truyền thống, ai cũng có thể dệt được, đặc biệt là người già, người khuyết tật. Do đó, khi học kỹ năng dệt, các em rất say sưa và tự do sáng tạo những mẫu mã sản phẩm mà mình thích. Hơn nữa phương pháp dệt này còn hỗ trợ người khuyết tật phục hồi chức năng về thể chất và trí tuệ, có được sự tập trung cao và niềm đam mê trong nghệ thuật”.
Cô Nguyễn Thị Hồng Hải đang hướng dẫn học sinh
Em Phạm Thị Nga cho hay em là một trong những học sinh được gửi học về kỹ năng Dệt Saori tại Làng Hòa bình Thanh Xuân và được học thêm kiến thức nâng cao. Em rất tự hòa được chọn là giáo viên trợ giảng cho lớp và mong muốn giúp các bạn học được nghề dệt và làm được nhiều sản phẩm đẹp, có chất lượng.
Em Phạm Thị Nga (Áo đen)
Cũng như các lớp học nghề khác tại Làng Hữu nghị Việt Nam như làm hoa nghệ thuật, cắt may quần áo, thêu ren và tin học văn phòng, lớp học Saori luôn mang lại cho các em nguồn cảm hứng, thư thái và đam mê trong sáng tạo mẫu mã sản phẩm mà mình thích.
Bài: Ngọc Hà
Ảnh: Mai Liên