Tiếng Việt English
Thứ sáu, 27 tháng 12 năm 2024

Ký ức về một thời hào hùng của Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình

Thực hiện nhiệm vụ chính được giao, hằng năm Làng Hữu nghị Việt Nam đón tiếp 550 đến 600 Cựu chiến binh, Cựu thanh niên xung phong từ 32 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra Bắc để điều dưỡng, chăm sóc, vật lý trị liệu và điều trị bệnh

Thực hiện nhiệm vụ chính được giao, hằng năm Làng Hữu nghị Việt Nam đón tiếp 550 đến 600 Cựu chiến binh, Cựu thanh niên xung phong từ 32 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra Bắc để điều dưỡng, chăm sóc, vật lý trị liệu và điều trị bệnh.

Vừa qua từ ngày 19/3 đến ngày 04/4/2024, 17 Cựu chiến binh đến từ tỉnh Ninh Bình được điều dưỡng, chăm sóc, vật lý trị liệu và điều trị bệnh. Tại đây, họ có thời gian quây quần bên nhau để ôn lại những ký ức về chiến trường xưa, về một thời hoa lửa, một thời tuổi trẻ.

Trong những câu chuyện kể, tôi ấn tượng nhất về cựu chiến binh Nguyễn Văn Thực. Năm nay ông Thực đã bước sang tuổi 74, nhưng trong đôi mắt ông vẫn ánh lên ngọn lửa nhiệt huyết của người lính năm xưa. Hơn 50 năm trôi qua, kể từ trận chiến ác liệt năm 1972, bầu trời Quảng Trị nhuốm màu tang thương bởi bom đạn chiến tranh. Ông vẫn nhớ như in từng ngày tháng gian khổ, thiếu thốn, nhưng đầy ắp tình đồng đội và niềm tự hào khi được góp phần nhỏ bé giải phóng, thống nhất đất nước.

Ảnh: Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thực

 

Năm 1967, khi chưa đầy 18 tuổi, ông Thực đã xung phong lên đường nhập ngũ, góp sức mình vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Năm 1968, ông được giao nhiệm vụ về Sư đoàn 308, tham gia chiến dịch Khe Sanh lịch sử. “Lúc đó quân Mỹ rất mạnh, liên tục tấn công trong khi lực lượng quân ta ít nên điều động Sư đoàn 308 của Bộ vào giải vây”. Năm 1971, ông tham gia chiến dịch Đường 9- Nam Lào, chốt đánh ở cầu Cha Ki, phục kích đoàn xe của quân Ngụy.

Ông cho biết, kỷ niệm chiến trường thì nhiều lắm, nhưng trận đánh tại thành cổ Quảng Trị là một trong những ký ức ám ảnh nhất trong tâm trí ông. “Trận chiến đó vô cùng ác liệt, quân địch Mỹ tấn công dữ dội, bom đạn trút xuống như mưa. Lực lượng quân ta mỏng manh, phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh anh dũng”, ông Thực nghẹn ngào. “Máu và mồ hôi hòa lẫn với đất và bom đạn. Có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu, vì Tổ quốc, vì gia đình, vì những người thân yêu.” Với tinh thần dũng cảm và ý chí kiên cường, họ đã chiến đấu ngoan cường, giữ vững thành cổ trong 81 ngày đêm.

 Sau trận chiến, ông Thực may mắn sống sót, nhưng mang trên mình nhiều vết thương. “Tôi vào bộ binh chiến đấu ngồi trên xe tăng của ta đánh ở La Vang, Quảng Trị. Ngồi trên xe tăng bị pháo bắn bị thương ở cánh tay, trán, bị sức ép đẩy ngã khỏi xe tăng”. Vết thương ngoài da có thể lành, nhưng vết thương lòng về sự hy sinh đồng đội vẫn luôn ám ảnh ông trong từng giấc ngủ.

Sau khi xuất ngũ năm 1973, ông được trao tặng huân chương Kháng chiến hạng Nhì, huân chương Giải phóng hạng Ba và nhiều kỷ niệm chương khác ghi nhận những đóng góp trong chiến tranh. Cuộc sống đời thường của ông cũng gặp nhiều khó khăn, ông có 6 người con, hai người con nhỏ qua đời đột ngột, 3 người khoẻ mạnh, còn 1 người bị tật nguyền, ảnh hưởng một bên mắt và liệt nửa người. Được Đảng và Nhà nước quan tâm nên cuộc sống của ông đã ổn định hơn, hiện tại ông được chế độ chất độc màu da cam.

Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Thực là một trong số rất nhiều câu chuyện về những người lính đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Những ký ức hào hùng như một lời nhắc nhở thế hệ hôm nay, đặc biệt là những người trẻ cần học hỏi và biết ơn những tấm gương sáng đã cống hiến hết mình và trân trọng những giá trị của nền văn hoá dân tộc.

Bài và ảnh: Đặng Thị Toàn