Tiếng Việt English
Thứ ba, 15 tháng 10 năm 2024

CÔNG TÁC THAM QUAN, HỌC TẬP KINH NGHIỆM NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ VÀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC CỦA LÀNG HỮU NGHỊ VIỆT NAM

Trong những năm gần đây, Làng Hữu Nghị có nhiều sự đổi mới tích cực, một phần là nhờ có sự linh hoạt, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm

 

Trong những năm gần đây, Làng Hữu Nghị có nhiều sự đổi mới tích cực, một phần là nhờ có sự linh hoạt, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm,  dám nghĩ, dám làm, ý chí quyết tâm cao xây dựng Làng Hữu Nghị ngày một phát triển toàn diện của Cấp uỷ, Chi bộ, Ban Giám đốc; bên cạnh đó là sự nỗ lực, tích cực, chủ động, sáng tạo, tận tâm, tận lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên Làng Hữu Nghị.

Ban lãnh đạo rất quan tâm, trú trọng vấn đề bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của tập thể cán bộ, nhân viên; cải tiến phương pháp làm việc nhằm nâng cao hiệu quả công tác và chất lượng phục vụ cho các đối tượng là cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và trẻ em nhiễm chất độc da cam/ Dioxin được điều dưỡng, nuôi dưỡng tại Làng. Tham quan, học tập kinh nghiệm các đơn vị có mô hình hoạt động tương tự là một nội dung khá quan trọng trong chương trình kế hoạch công tác hàng năm. Sau thời gian dài, nhiều hoạt động bị hạn chế do tác động của đại dịch Covid – 19, Làng Hữu Nghị Việt Nam thành lập đoàn công tác do đồng chí Giám đốc Nguyễn Thăng Long làm Trưởng đoàn, đã thực hiện chuyến công tác vô cùng ý nghĩa, bao gồm một chuỗi các hoạt động tham quan, học tập thực tế, giao lưu, tặng quà và chia sẻ kinh nghiệm tại một số Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tại hai tỉnh Quang Nam và Đà Nẵng từ ngày 25 đến ngày 29 tháng 8 năm 2022.

Tiếp đón đoàn công tác của Làng Hữu Nghị Việt Nam tại cơ sở 3 của Trung tâm bảo trợ nạn nhân da cam dioxin Đà Nẵng; ông Trà Thanh Lành, Phó Chủ tịch Hội NNCĐ-DC thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng có trên 5.000 nạn nhân CĐDC, trong đó có khoảng 1.400 đối tượng là trẻ em. Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc Da cam thành phố Đà Nẵng có 03 cơ sở với biên chế 24 cán bộ, công nhân viên; hiện đang chăm sóc và nuôi dưỡng khoảng 120 cháu. Mô hình hoạt động là chăm sóc, nuôi dưỡng, đào tạo nghề, phục hồi chức năng cho trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam và trẻ em bất hạnh với hình thức bán trú (TT có 01 xe 29 chỗ phục vụ đưa, đón hàng ngày). Ông đã dẫn đoàn đi tham quan và giới thiệu các lớp học: dạy chữ, dạy kỹ năng sống; dạy nghề: may gia công, làm hoa lụa, làm hương, lớp học vi tính. Ông tỏ ra tự hào, phấn khởi khi chia sẻ với đoàn: “Từ khi thành lập đến nay đã có khoảng 14, 15 em ra nghề, vào làm việc tại các cơ may gia công và làm hoa nghệ thuật với mức lương trên 3 triệu/ 1 tháng. Trung tâm cũng nhận được nhiều đơn đặt mua các sản phẩm của lớp may, lớp làm hoa và làm hương để ủng hộ các em”

Ông Trà Thanh Lành - Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Thành phố Đà Nẵng (Người thứ 2 bên trái)

Ông Bùi Trung Hiếu - Phó Giám đốc cơ sở 3 - TT bảo trợ nạn nhân chất độc da cam dioxin TP Đà Nẵng  (Người phía ngoài bên trái)

Ông Nguyễn Thăng Long - Giám đốc Làng Hữu Nghị Việt Nam (Người đứng)

Ông Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc cơ sở 3 cho biết thêm “ngoài các hoạt động dạy chữ, dạy kỹ năng sống, dạy nghề; TT còn tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng làm vườn như trồng và chăm sóc vườn rau; nuôi các con vật như lợn, gà,... TT cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, ca hát giải trí, giúp cho các cháu tự tin hơn và giảm đi nỗi đau thể chất, bệnh tật, cải thiện, nâng cao sức khoẻ”.

Mô hình nuôi lợn

Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc Da cam tỉnh Quảng Nam trực thuộc Hội nạn nhân chất độc da cam Dioxin tỉnh Quảng Nam cũng có mô hình giống Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc Da cam thành phố Đà Nẵng; số lượng đối tượng tiếp nhận và nuôi dưỡng thường xuyên thấp hơn. Ở đây có lớp học nghề làm hương hoạt động tương đối hiệu quả, đặc biệt có mô hình dự án trồng rau sạch hữu cơ với diện tích gần 500 mét vuông, vừa giúp các em nắm được kỹ năng làm vườn, kỹ năng trồng và chăm sóc, vừa phục vụ cung cấp cho các bữa ăn hàng ngày của các em.

Lớp làm hương

Lớp làm hoa

Làng Hoà Bình đóng trên địa bàn xã Tam Đàn, huyện Phù Ninh, tỉnh Quảng Nam. Ông Nguyễn Mật, Phó Giám đốc Làng Hoà Bình đã đón tiếp và chia sẻ với đoàn công tác của Làng Hữu Nghị Việt Nam “Làng Hoà Bình do Hội cựu chiến binh Hàn Quốc đầu tư  xây dựng năm 2009, bàn giao cho Trung tâm hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc năm 2010 và tổ chức triển khai đi vào hoạt động năm 2011. Được thành lập với mục đích hàn gắn vết thương chiến tranh. Mô hình hoạt động là chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ dạy văn hoá, dạy kỹ năng sống, đào tạo nghề các đối tượng là nạn nhân chất độc da cam, trẻ khuyết tật mồ côi, người già cô đơn,... với hình thức nội trú, quân số hiện tại là 146 người”. Với biên chế 56 cán bộ, nhân viên, đối tượng ở các độ tuổi đa dạng, từ trẻ sơ sinh cho đến cả trăm tuổi, tình trạng bệnh tật cũng hết sức đa dạng, phong phú.

Đồng chí Nguyễn Thăng Long đã giới thiệu khái quát về chức năng, nhiệm vụ và mô hình hoạt động của Làng Hữu Nghị Việt Nam với cán bộ lãnh đạo các Trung tâm , nơi đoàn công tác đặt chân đến. Đồng chí cũng thay mặt đoàn công tác của Làng Hữu Nghị, đã trao tặng cho hai đơn vị Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc Da cam thành phố Đà Nẵng và Làng Hoà Bình của tỉnh Quảng Nam, mỗi đơn vị một phần quà để chia sẻ phần nào tình cảm và trách nhiệm đối với các đơn vị.

Ông NGuyễn Thăng Long trao quà tặng cho Làng Hòa Bình

Qua chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm lần này, đoàn công tác cũng đã có nhiều ấn tượng đồng thời rút ra  nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức, tuyên truyền vận động; công tác chăm sóc, dạy nghề. Qua thực tế tham quan mô hình hoạt động của các đơn vị cho thấy việc hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng trồng rau, chăn nuôi gà, vịt, lợn, .... cho các cháu đem lại hiệu quả hết sức thiết thực, giúp các cháu khi về hoà nhập cộng đồng trở thành người có ích cho gia đình, xã hội và cũng học hỏi và biết thêm một nghề, đó là nghề làm hương.

                                                        Bài và ảnh:  Phạm Thị Tuyết Thanh