Tiếng Việt English
Thứ bảy, 7 tháng 12 năm 2024

ĐỊNH HƯỚNG NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ VÌ MỤC ĐÍCH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHO TRẺ EM TẠI LÀNG HỮU NGHỊ VIỆT NAM

Xuất phát từ nguyện vọng chia sẻ, giúp đỡ những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/Dioxin đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng Hữu Nghị Việt Nam nhằm mục đích hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt – Mỹ của Hội

Xuất phát từ nguyện vọng chia sẻ, giúp đỡ những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/Dioxin đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng Hữu Nghị Việt Nam nhằm mục đích hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt – Mỹ của Hội Cựu sinh viên du học Mỹ. Sau thời gian tìm hiểu nắm bắt thông tin, được biết đa số trẻ em ở đây xuất thân từ những vùng nông thôn trải dài khắp các tỉnh từ Thừa Thiên Huế ra các tỉnh phía bắc Việt Nam;  từ nguồn kinh phí giúp đỡ nằm trong chương trình dự án “Vì nạn nhân da cam” của Đại sứ quán Mỹ, Hội Cựu sinh viên du học Mỹ đã đề xuất phướng án trao tặng thiết bị y tế phục vụ chăm sóc sức khoẻ, khám bệnh và chữa bệnh cho Cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và trẻ em và xây dựng kế hoạch tập huấn, dạy nghề nông nghiệp hữu cơ cho các trẻ em và đã nhận được sự nhất trí ủng hộ của Ban Giám đốc Làng Hữu Nghị Việt Nam.

Sau một thời gian chuẩn bị, vào các ngày 2526 tháng 10 năm 2023 chương trình tập huấn, dạy nghề nông nghiệp hữu cơ cho trẻ em đã được tổ chức thực hiện tại Làng Hữu Nghị Việt Nam. Tham gia Hội nghị tập huấn, ngoài các em học sinh còn có sự ủng hộ nhiệt tình của các đồng chí cán bộ, nhân viên của các Phòng, Trung tâm; sự quan tâm, đồng hành, theo dõi suốt quá trình dạy và học của đồng chí Nguyễn Thăng Long, Giám đốc Làng Hữu Nghị Việt Nam và sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Nguyễn  Ngọc Dũng, Trưởng Trung tâm GD-DN Làng Hữu Nghị Việt Nam.

Giảng viên là Tiến sỹ khoa học Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Trưởng bộ môn Phương pháp thí nghiệm và Thống kê sinh học, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chị là người rất có tâm huyết đối với nghề nông nghiệp hữu cơ. Bằng trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm từ thực tế, không chỉ định hướng, nâng cao nhận thức cho học sinh về một nền nông nghiệp sạch, an toàn; nâng cao nhận thức bảo vệ sức khỏe mà chị còn truyền tải thông điệp “Chung tay bảo vệ môi trường” nhằm “Hướng đến sự phát triển bền vững” trong tương lai.

Buổi sáng đầu tiên là buổi học lý thuyết về cách xây dựng vườn rau dinh dưỡng hữu cơ, các em học sinh đã có mặt từ rất sớm để tham dự khóa học, hăng hái phát biểu và đặt câu hỏi cho giáo viên. Buổi chiều cùng ngày, các em được Giảng viên hướng dẫn học thực hành theo cách cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cẩn thận tỷ mỷ từ việc làm đất, lên luống như thế nào cho khoa học, hiệu quả; và dạy kỹ thuật trồng xen kẽ các loại rau như: Rau ngót, rau cải, bí ngồi, cà chua, hành, tỏi, gừng, xả....; trồng cả những cây dẫn dụ các loài sâu bướm như Cúc Vạn thọ, hoa Hướng dương, hung quế.…

Ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh - Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ (COAPS) khoa Nông học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA)

Ảnh: Giảng viên giới thiệu các loại rau và phân vùng các loại rau trồng phù hợp từng khu vực

Ảnh: Cải tạo lên luống đất 

Ảnh: Trồng các loại rau theo mùa

Ảnh: Trồng cây rau ngót

Ảnh: Trồng cây cà chua, tưới nước trước và sau khi trồng

Ngày thứ hai, buổi sáng các em được học lý thuyết về cách xác định, tìm nguồn Vật liệu hữu cơ và cách phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ qui mô hộ gia đình; buổi chiều các em được thực hành ủ rác thải hữu cơ trong sinh hoạt hàng ngày thành phân bón hữu cơ, thực hành làm dung dịch đạm bổ sung qua lá cho cây từ tươi và thực hành làm các chế phẩm phòng trừ sâu bệnh hại bằng các vật liệu tự nhiên dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Giảng viên.

Ảnh: Học sinh phân loại và xử lý rác thải hữu cơ

Ảnh: Chế tạo chế phẩm phòng trừ sâu bệnh hại sinh học

Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Dinh chia sẻ: chị đã được đào tạo thạc sỹ và làm nghiên cứu sinh tại Nhật trong 5 năm, trong quãng thời gian đó chị đã có cơ duyên được tiếp cận và tìm hiểu về nền nông nghiệp hữu cơ của những người nông dân Nhật. Khi về nước chị đã thực hiện đề tài và tham gia một số dự án xây dựng vườn rau hữu cơ ở một số tỉnh. Khi được Hội Cựu sinh viên du học Mỹ mời tham gia giảng dạy cho trẻ em nhiễm chất độc da cam ở Làng Hữu Nghị chị cảm thấy rất vui và hào hứng, chị đã tất bật chuẩn bị tỷ mỷ từng loại vật tư, từng cây giống có chất lượng và một số sản phẩm phân hữu cơ đem đến lớp học.

Kết thúc 2 ngày tập huấn, tập thể đội ngũ giáo viên và học sinh Trung tâm Giáo dục, Dạy nghề Làng Hữu Nghị Việt Nam đã có một Mô hình vườn rau hữu cơ đẹp mắt. Hứa hẹn trong thời gian ngắn, dưới sự chăm sóc của cô và trò, cây sẽ lên xanh tốt và cho ra những sản phẩm rau, củ, quả sạch hữu cơ phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của các con.

Ảnh: Kết quả sau hai ngày tập huấn Xây dựng vườn rau dinh dưỡng hữu cơ

Chương trình tập huấn dạy nghề còn nội dung nữa, đó là tập huấn về chăn nuôi gà hữu cơ, dự kiến sẽ được tổ chức trung tuần tháng 11.

Bài: Phạm Thị Tuyến Thanh

Ảnh: Mai Liên